Là một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, anh Nguyễn Bá Hội (38 tuổi) nắm từng con số về ô nhiễm môi trường, tác hại nghiêm trọng của lối sống thiếu tiết chế trong sử dụng bao ni-lông, rác thải nhựa... của người dân. Do vậy, anh quyết góp một sức nhỏ của mình để cải tạo môi trường, truyền đi thông điệp sống xanh đến nhiều người bằng hoạt động bền bỉ của mình suốt nhiều năm qua.
Để môi trường sống trong lành hơn
Thấm thoát, hành trình thiện nguyện trong mảng sống xanh của anh đã được gần 20 năm với nhiều chương trình, dấu ấn. Anh hãy nói đôi điều về hành trình dựng xây và phát triển Câu lạc bộ (CLB) "Thực hành sống xanh" cùng những hoạt động bảo vệ môi trường của mình?
- Anh NGUYỄN BÁ HỘI: Tôi bắt đầu bén duyên cùng những hoạt động bảo vệ môi trường khi còn là sinh viên. Thực sự, tôi đặc biệt yêu thích những hoạt động đoàn đội, đặc biệt là các hội nhóm, CLB bảo vệ môi trường. Đến nay đã gần 20 năm tôi tiếp nối thói quen và sở thích đó. Là một người con miền Trung xa xứ, tôi mong muốn có thể thiết lập một môi trường trong lành cho TP HCM, nơi tôi đang sống.
Chính vì vậy, tôi và những người bạn cùng đam mê đã bắt tay xây dựng CLB "Thực hành sống xanh" từ năm 2018. Đến nay đã gần được 5 năm, hành trình đồng hành với các bạn trẻ trong CLB và quá trình cải tạo môi trường sống để lại cho tôi nhiều dấu ấn khó phai mờ. Đáng nhớ nhất là những ngày đầu bắt tay xây dựng CLB "Thực hành sống xanh". Đây được xem như cột mốc đánh dấu những kết quả mà chúng tôi cùng nhau kiến tạo. Mục tiêu ban đầu của CLB là tạo ra sân chơi cho các bạn cùng sở thích kết nối thiên nhiên, chia sẻ hoạt động bảo vệ môi trường, giữ lấy màu xanh của thiên nhiên, sống chan hòa cùng đất mẹ.
Anh Nguyễn Bá Hội (phải) trong một buổi tuyên truyền về lối sống xanh, trao tặng thùng đựng rác
Tính từ tháng 1-2019 đến nay, CLB "Thực hành sống xanh" đã tham gia hơn 30 chương trình tuyên truyền, hướng dẫn về sống xanh, phân loại rác, giảm rác thải nhựa, tái chế để tái sử dụng rác thải... cho tổ dân phố, khu dân cư, trường học.
Ngoài ra, CLB còn tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động tổng vệ sinh, thu nhặt rác thải nhựa ở những nơi công cộng; thường xuyên trao tặng thùng phân loại rác đến các hộ gia đình khó khăn, cơ quan, tổ chức để kêu gọi chung tay thực hiện phân loại rác, để rác đúng nơi quy định, giảm rác thải nhựa...
"Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", chúng tôi tập trung thay đổi thói quen, ý thức bảo vệ môi trường từ những ai tham gia CLB trước. Dần dần, việc làm ấy tạo nên sự tương tác tích cực đến với nhiều người dân, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Thêm động lực vượt qua trở ngại
* Việc làm đó thật ý nghĩa nhưng có khi nào anh gặp khó khăn?
- Thời gian đầu, CLB gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Bắt tay vào hoạt động tặng thùng rác cho bà con khó khăn, tôi vừa bỏ công sức để tổ chức chương trình vừa phải bỏ tiền túi ra chi trả cho những sản phẩm trao tặng đến bà con.
Dù gặp trở ngại, song CLB vẫn duy trì các hoạt động một cách tích cực và những giá trị mà chúng tôi đạt được đã thu hút sự chú ý của nhiều cá nhân. Họ âm thầm hỗ trợ và ủng hộ những hoạt động của CLB. Khó khăn về tài chính từng bước được tháo gỡ.
Di chuyển đến địa điểm thực hiện chương trình cũng là trở ngại, nhất là đi những vùng cách xa trung tâm thành phố, các bạn trẻ đa phần là sinh viên không đủ phương tiện. Tuy nhiên, khó khăn này lại giúp minh chứng cho niềm đam mê của các bạn. Tôi còn nhớ những ngày bắt đầu thực hiện hoạt động thu gom rác từ 6 giờ, nhiều bạn trẻ đã thức dậy từ lúc 4 giờ để đi xe buýt tới. Tinh thần và trách nhiệm công việc của các bạn tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục duy trì, phát triển CLB.
Anh Nguyễn Bá Hội phát biểu tuyên truyền về sống xanh tại một buổi lễ
* Ngoài khó khăn vừa kể thì những thuận lợi có được là gì, thưa anh?
- Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là ở yếu tố con người. Tôi may mắn kết nối được với những bạn trẻ nhiệt huyết. Dù gặp nhiều khó khăn và trở ngại nhưng các bạn đã không nề hà và hoạt động tích cực. Tôi tin rằng tình yêu môi trường của các bạn sẽ chuyển hóa đam mê thành những hoạt động thiết thực.
* Là một người làm trong ngành môi trường, anh đánh giá như thế nào về những tác động tiêu cực từ lối sống, tiêu thụ của người dân đến môi trường hiện nay?
- Chủ nghĩa tiêu dùng đang kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn nhu cầu thực tế, từ đó rác thải ra môi trường ngày một nhiều hơn. Ngoài ra, tâm lý thờ ơ của một bộ phận người dân vẫn chưa được cải thiện hoàn toàn.
* Theo anh, phải làm gì để mỗi người đều có hiểu biết sống xanh và vận dụng lối sống ấy vào thực tế để giảm gánh nặng với môi trường?
- Sự chung tay của tất cả mọi người là yếu tố quan trọng nhất giúp giảm gánh nặng với môi trường. Tôi chủ trương thay đổi thói quen của bản thân và bạn bè, người thân trước khi mong muốn tạo tác động lớn đến cộng đồng. Hành động nhỏ "tích tiểu thành đại", lâu dần sẽ có khả năng chuyển hóa đến với một bộ phận người dân trong xã hội.
Cắt giảm chi tiêu nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, tham gia các hoạt động tổng vệ sinh của địa phương... hay thậm chí chỉ là một hành động nhặt rác cũng đã góp phần thay đổi môi trường.
Đổi thay từ những hành động nhỏ
* Từ khi làm chủ nhiệm CLB "Thực hành sống xanh" đến giờ, anh đã thu hút các bạn trẻ tham gia trong các hoạt động tích cực vì môi trường ra sao?
- Thời gian đầu, tôi có tạo một fanpage để chia sẻ những hoạt động và câu chuyện của CLB đến nhiều người hơn. Tuy nhiên, vì quỹ thời gian hạn chế nên tôi không thể tập trung quá nhiều vào kênh truyền thông này.
Tuy nhiên, tôi tin rằng niềm đam mê và sự tiên phong của bản thân sẽ góp phần động viên các bạn trẻ chung tay bảo vệ môi trường. Mỗi thành viên trong CLB "Thực hành sống xanh" sẽ trở thành cầu nối gắn kết nhiều người đến với hoạt động ý nghĩa này. Hoạt động thiết thực chính là cách hiệu quả nhất để nhân lên số người tiếp cận đến với CLB của chính mình.
Nhóm bạn trẻ trong CLB “Thực hành sống xanh” dọn rác trong khu dân cư
* Anh có lạc quan với những gì mình đã, đang làm sẽ giúp ích cho môi trường, thay đổi thói quen của số đông?
- Tôi ghi nhận được rất nhiều tín hiệu khả quan trên hành trình này từ người thân và bạn bè. Có nhiều bạn dù chưa từng quen biết kết bạn với mình và đăng ký tham gia. Ngoài ra, khi hoạt động tại các địa điểm ngoài trời như công viên, quảng trường..., tôi nhận thấy nhiều người trở nên ý thức hơn trong việc vứt rác đúng nơi quy định.
* Nếu có chia sẻ nào đó với mọi người về môi trường, giữ nếp sống xanh, anh sẽ nói gì?
- Đừng cho rằng bảo vệ môi trường là công việc to tát. Hành động nhỏ chính là yếu tố nòng cốt len lỏi vào đổi thay môi trường từng ngày. Biến ý thức thành hành vi và thói quen sẽ sớm gặt hái được kết quả tích cực cho môi trường sống ngày một trong lành hơn.
Những dấu ấn
Từ khi thành lập, CLB "Thực hành sống xanh" đã phối hợp các trường học thực hiện tuyên truyền bảo vệ môi trường cho học sinh; tham gia hơn 30 đợt hướng dẫn sống xanh, phân loại rác, giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường kênh rạch, tái chế rác thải... cho tổ dân phố, khu dân cư ở TP Thủ Đức, quận 4, quận 5, quận 6 và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi...
Tại TP HCM, nhóm trao thùng phân loại rác đến Hội Cựu chiến binh quận 1 (100 thùng); hộ dân khó khăn ở quận 8 (40 thùng), hộ nghèo quận Bình Tân (20 thùng), người dân khó khăn ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức (50 thùng)...
Hằng tuần, anh Nguyễn Bá Hội đều tổ chức cho thành viên tham gia nhặt rác, phóng sinh, làm từ thiện...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)