Mới 5 giờ sáng ngày đầu tuần, trong căn nhà 207 Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP HCM, vợ chồng cụ Trần Văn Hồng - Nguyễn Thị My đã gọi nhau thức dậy, nổi lửa chuẩn bị 200 suất cơm rau củ quả 0 đồng.
Những hộp cơm trả ơn cuộc đời
Hai tấm lưng còng, hai mái đầu bạc, hai đôi tay run run làm từng phần việc quen thuộc: nấu cơm, xào rau củ quả, cho cơm và thức ăn vào từng hộp xốp…
Trong căn bếp nhỏ này, vợ chồng cụ Trần Văn Hồng - Nguyễn Thị My đã nấu hàng ngàn suất cơm chay 0 đồng giúp người nghèo khó
Những suất cơm ấm lòng của đôi vợ chồng U90
Căn bếp chừng 10 m2 càng thêm ấm áp, nhộn nhịp khi có sự giúp sức của hai bạn trẻ Thắng và Nghĩa. Cảm mến tấm lòng của hai cụ, hai bạn trẻ này đã xin đến ở cùng để đỡ đần công việc.
Nghĩa vừa xào củ quả, vừa lắng nghe chăm chú hướng dẫn của cụ My để nêm nếm cho thơm ngon. Thắng nhanh nhẹn cho thức ăn vào từng hộp cơm trắng mà cụ Hồng đã chuẩn bị. Mỗi hộp cơm gồm cà rốt - su hào kho, dưa muối giòn, đậu hũ kho và rau muống xào.
Khâu cuối cùng là đóng gói. Thắng vừa thoăn thoắt cho hai hộp cơm vào một túi ni-lông, kèm theo nước tương, vừa giải thích: "Nhiều người muốn nhận hai phần cơm, một phần cho mình, một phần cho người ở nhà. Những ai cần bốn hay sáu phần đều có thể thoải mái lấy".
7 giờ sáng, những hộp cơm chay đầu tiên ấm nóng được xếp ngay ngắn trên chiếc bàn thiếc sạch sẽ. Cụ Hồng bắc ghế nhựa ngồi cạnh bàn, chờ đón khách.
Cụ Trần Văn Hồng ngồi đón những người khách quen đến nhận cơm chay 0 đồng
Chốc chốc, lại có người dừng lại nơi bàn cơm, khi thì cụ già bán vé số, chú xe ôm, khi thì chị bán hàng rong, cậu sinh viên… Có người tự lấy cơm, nở nụ cười, nói lời cảm ơn rồi vội vàng hòa vào dòng xe cộ ngược xuôi. Có người nán lại đôi phút trò chuyện thăm hỏi cụ Hồng, cụ My.
Dù mắt đã hơi mờ nhưng cụ Hồng vẫn còn nhớ được "gu" của các khách quen để giao cơm cho chính xác: người này cần mấy hộp cơm, người kia thường cần thêm một hộp cơm trắng… Một trong những vị khách thân quen của quán là ông Phạm Thanh Sơn (60 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM). Ông thường ghé qua nhận hai hộp cơm trước khi bắt đầu một ngày chạy xe ôm. Nhanh nhẹn móc túi cơm vào xe, ông Sơn nói: "Có hai hộp cơm này là no bụng được buổi sáng và buổi trưa, có sức chạy xe kiếm chút tiền lo cho cháu. Quý lắm!".
Chỉ trong khoảng hai giờ, gần 200 suất cơm chay nhanh chóng được trao hết. Nhóm nấu bếp để riêng vài chục suất trên chiếc bàn con trong nhà để dành cho những người đến muộn.
Lòng tốt lan tỏa
Cụ My nguyên quán Cần Thơ. Trong một lần lên TP HCM chữa bệnh, cụ may mắn nhận được sự giúp đỡ của những người dưng. Lòng tốt ấy khiến cụ thương mến cả mảnh đất phương Nam nhộn nhịp này và quyết định ở lại, mưu sinh bằng nghề bán bánh xèo, bánh khọt. Cụ Hồng nhớ thương vợ, chẳng bao lâu sau cũng lên TP HCM để hai mái đầu bạc sớm tối có nhau.
Một ngày tháng 9-2021, khi TP HCM đang giãn cách xã hội vì COVID-19, nhìn thấy một thanh niên nằm rũ rượi trên vỉa hè đối diện nhà mình, cụ My vội băng qua đường hỏi thăm, bụng thầm nghĩ có lẽ người ấy đang say quá. Khi biết thanh niên này đang kiệt sức vì đói, cụ vội báo cho chồng rồi cả hai dìu người thanh niên vào nhà, cho uống nước, ăn cháo để đỡ đói lòng.
Đêm hôm ấy, cụ My thủ thỉ cùng cụ Hồng trước khi ngủ: "Em rút 80 triệu trong số tiền vợ chồng mình dành dưỡng già để nấu cơm chay tặng mọi người nha?". Cụ ông đồng ý ngay như thể đó cũng là tiếng lòng mình: "Ờ, em làm gì, anh cũng ủng hộ".
Cụ Nguyễn Thị My xào rau
Ban đầu, hai cụ cùng nhau nấu vài chục suất cơm, rồi 100 suất, 150 suất và đến hôm nay đều đều mỗi ngày 200 suất, chỉ nghỉ ngơi ngày chủ nhật.
Hai cụ dự định sẽ nấu cơm đến khi hết số tiền 80 triệu đồng thì thôi. Nhưng ngay khi sắp nghỉ thì có người đến góp gạo, hạt nêm, rau củ, nước tương, hộp xốp, túi đựng, có người đến góp sức… Ai cũng động viên hai cụ tiếp tục công việc tốt đẹp này, vì dừng lại tức là thành phố này sẽ vắng đi một nơi mà người nghèo có thể tìm đến để có bữa cơm lót dạ, để tin rằng lòng tốt vẫn luôn ở quanh đây.
Hiện nay, những suất cơm chay đầy ắp tình người ấy còn có sự góp sức của chị Tâm, chị Phương… Cứ rảnh là họ lại đến phụ dọn dẹp, sơ chế thực phẩm, vừa làm vừa rủ rỉ tâm tình với hai cụ như những người thân.
Các tình nguyện viên đến phụ giúp hai cụ Nguyễn Thị My - Trần Văn Hồng chuẩn bị các suất cơm Ảnh: NGUYỄN THẮM
Lại có những người không muốn xưng tên, cứ đều đặn ghé qua nơi này như một cơn gió, để lại bao gạo, túi rau củ, gói đậu hũ… cùng lời chào và nụ cười dễ mến.
Sự tiếp sức về vật chất lẫn tinh thần ấy dần thắp lên trong lòng hai cụ mong ước tha thiết có thể làm công việc này đến tận cuối đời.
Ủng hộ mẹ cha trên hành trình thiện nguyện
Cụ My nói: "Ai cũng có cái gì đó để cho người khác. Tôi không có của thì sẽ có sức, có công, có sự nhiệt tình tuổi già này. Tôi quyết định rồi, ngày nào hai vợ chồng tôi còn chút sức lực, ngày đó chúng tôi còn nấu cơm cho những ai cần. Chúng tôi và các con đã may mắn nhận được biết bao yêu thương từ những người dưng ấm áp. Bây giờ đến lượt chúng tôi làm gì đó để trả ơn cuộc đời".
Có người từng cười cụ My làm chuyện bao đồng, còn nói rằng sẽ đợi xem liệu cụ có thể "bao đồng" được bao lâu khi tiền cạn, sức kiệt.
Cụ chỉ cười và ngẫm nghĩ: "Làm được ngày nào hay ngày ấy. Giúp được người nào hay người ấy. Cuộc đời này chắc chắn chẳng bao giờ thiếu lòng tốt. Khi vợ chồng đều nằm xuống rồi, thế nào cũng sẽ có những người khác tiếp nối chuyện bao đồng này và có khi còn nghĩ đến nhiều chuyện bao đồng có ích khác".
Các con của hai cụ hiện sống ở Campuchia và Việt Nam. Biết chuyện cha mẹ già yếu thức khuya dậy sớm nấu cơm từ thiện, có người con bật khóc vì xót, vì thương. Cụ My nhẹ nhàng giải thích với con: "Làm việc này mẹ thấy vui mà! Mẹ vui là con vui, phải không?". Một khi đã hiểu nỗi lòng của đấng sinh thành, các con hằng tháng gửi tặng hai cụ khoản tiền, như một cách thầm lặng đi bên mẹ cha trong hành trình thiện nguyện.
Luôn có điều tốt đẹp để cho đi
Một ngày chủ yếu xoay quanh căn bếp nhỏ, cùng nồi niêu, rau củ và ngọn lửa ấm song hai cụ luôn cảm thấy vui vẻ. Cụ My nói: "Làm việc tuy sẽ đau lưng, nhức tay nhưng vui hơn rất nhiều so với việc cả ngày chỉ nằm không, thậm chí có khi còn vui hơn đi chơi đó đây".
Tạm biệt hai cụ, chúng tôi chợt nhớ đến câu văn giản dị: "Chỉ cần có lòng tốt, con người ta có thể làm được tất cả" (Nguyễn Nhật Ánh, "Làm bạn với bầu trời") và hiểu rằng chuyện "thương người hơn cả thương thân" là có thật trong đời này.
Dù ta là ai, ta đang ở chặng nào của cuộc đời, hoàn cảnh sống của ta thế nào, thì mỗi chúng ta vẫn luôn có điều gì đó rất tuyệt vời để cho đi, chỉ cần trái tim ta thật sự muốn thế!
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)