Anh Hồ Văn Mười (22 tuổi; bản Cây Bông, xã Kim Thủy) đã học hết lớp 9. Do không nằm trong diện được tuyển sinh vào Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú tỉnh nên Mười nghỉ học, ở nhà ít năm thì lấy vợ và không có điều kiện học tiếp. Ở 3 xã miền núi Kim Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy có rất nhiều hoàn cảnh như Mười.
Trước đây, mỗi năm Lệ Thủy có khoảng 120 học sinh (HS) người Bru-Vân Kiều tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Bình chỉ tiếp nhận khoảng 30 em, số còn lại phải nghỉ học. Do vậy, nạn tảo hôn vì thế gia tăng, sinh đẻ sớm, đông con khiến đời sống kinh tế của nhiều gia đình đồng bào Bru-Vân Kiều thêm phần khó khăn.
Trước thực trạng trên, huyện Lệ Thủy đã giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo mở lớp THPT "nhô" cho HS 3 xã miền núi của huyện. Trung tâm giáo dục dạy nghề chịu trách nhiệm dạy văn hóa, Trường PTDT nội trú huyện quản lý, nuôi dưỡng HS. Năm học 2020-2021 là năm thứ 3 huyện đã duy trì tổ chức lớp học THPT "nhô" nhằm giúp 107 em HS Bru-Vân Kiều có cơ hội viết tiếp giấc mơ được đến trường. Đây là mô hình riêng của huyện Lệ Thủy góp phần nâng cao tỉ lệ phổ cập giáo dục mức độ 3 và chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cho 3 xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy.
Một lớp học “đặc biệt” của học sinh Bru-Vân Kiều
Thầy Lê Văn Bình, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện Lệ Thủy, cho biết thực hiện mô hình giáo dục đặc biệt này, số lượng HS tăng nhưng nhà trường không được bổ sung cán bộ phụ trách nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường quyết tâm cùng huyện thực hiện thành công mô hình, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các em HS dân tộc.
Nhờ có lớp THPT "nhô", em Hồ Thị Mậu ở xã Kim Thủy được tiếp tục con đường học vấn sau khi tốt nghiệp THCS. Em cho biết đó là niềm may mắn và mơ ước của em và nhiều HS dân tộc khác. "Em biết muốn thoát nghèo, giúp đỡ gia đình thì phải đi học. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có được việc làm, quay về xây dựng bản làng quê hương" - em Mậu tâm sự.
Ngoài giờ lên lớp, các em HS Bru-Vân Kiều còn được tập trung ăn ở, sinh hoạt nội trú có nền nếp dưới sự theo dõi, chăm sóc của thầy cô; tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa để bổ túc kỹ năng sống, nâng cao nhận thức về văn hóa - xã hội và thực hành lao động, tăng gia sản xuất. Bên cạnh bổ túc kiến thức văn hóa, mô hình THPT "nhô" của huyện Lệ Thủy còn đưa chương trình đào tạo nghề may mặc, điện dân dụng vào giảng dạy. Qua đó, sau khi tốt nghiệp THPT, các em sẽ có thêm bằng trung cấp nghề, tạo thêm cơ hội tiến thân, lập nghiệp.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết lớp THPT "nhô" là mô hình đặc biệt và đang phát huy nhiều hiệu quả. "Học vấn sẽ giúp HS Bru-Vân Kiều trưởng thành trong suy nghĩ và hành động, tránh xa vòng luẩn quẩn của tảo hôn, đông con, nghèo đói, đóng góp sức trẻ và trí tuệ xây dựng bản làng trong tương lai" - ông Tình chia sẻ.
Bình luận (0)