Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, vùng đầu nguồn sông Cửu Long hiện có mực nước cao nhất năm 2023, thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 và thời gian đạt đỉnh lũ xuất hiện vào tháng 10-2023. Do đó, tận dụng thời điểm nước lên nhiều, người làm nghề câu lưới ở vùng đầu nguồn đang tất bật đánh bắt cá.
Người dân làm nghề câu lưới đang neo đậu trên cánh đồng chờ con nước lên để đánh bắt.
Tại xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú, tỉnh An Giang), nước lũ đã tràn đồng cách đây khoảng 1 tháng, ông Mai Văn Hậu cũng tranh thủ đặt hơn 100 lợp cua từ thời điểm đó.
"Năm nay, nước thấp hơn năm rồi nhưng có nhiều cua, giá bán cũng được 15.000 đồng/kg. Làm nghề này phải tranh thủ, nếu không nước rút là hết làm" – ông Hậu nói.
Còn vợ chồng ông Nguyễn Hồng Khanh cũng đã đặt khoảng 100 ụ lươn trên cánh đồng Vĩnh Lộc. "Nước năm nay về chậm nên lươn chưa có nhiều, nếu mà nước về sớm thì lươn có nhiều hơn. Năm ngoái, xúc ụ lươn êm lắm" – ông Khanh nhớ lại.
Trời vừa hừng đông, người dân đã có mặt trên đồng thăm lợp.
Không lựa chọn đánh bắt cá trên đồng nhà, gia đình ông Lê Văn Cựa (ngụ xã Phú Hội, huyện An Phú) sang đồng Campuchia bắt cá hơn 1 tháng nay. "Mùa này, trên đồng của Việt Nam và phía Campuchia đều ngập, nhưng tôi phải qua bên Campuchia thì mới có nhiều cá. Qua đó phải đóng thuế và làm tranh thủ lắm, nếu không thì chỉ lấy công làm lời" – ông Cựa cho hay.
Mùa này, nhờ có nghề giăng lưới các chạch nên ông Hùng có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Còn tại Hồng Ngự, huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, người dân cũng khuya sớm có mặt trên cánh đồng để giăng câu thả lưới. Khoảng hơn 1 tháng nay, từ 1 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Hùng đã bắt đầu thả 40 tay lưới, rồi chờ đến sáng thăm lưới. Mỗi ngày, ông Hùng bắt được từ 6 -10 kg cá chạch.
"Năm nay cá chạch cũng nhiều, mùa nước này kiếm chút vốn vậy cũng được rồi, chỉ tiếc lũ năm nay về chậm mà rút nhanh thôi" – ông Hùng bộc bạch.
Bình luận (0)