Chiều 13-11, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội (QH), các chuyên gia về một số nội dung quan trọng trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cuờng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, chủ trì.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cuờng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, chủ trì hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển
Về cải cách thể chế, ĐB Phan Đức Hiếu cho rằng cần phải làm rõ các thủ tục hành chính tại Chương 13 thay vì chỉ liệt kê tên như trong dự thảo luật. Ông Hiếu đề nghị cải cách thể chế về thủ tục đất đai phải rất cụ thể. "Khảo sát của VCCI cho thấy trong các thủ tục khó khăn nhất, phiền hà nhất, thì lĩnh vực đất đai chỉ kém lĩnh vực thuế và phí". Do đó, ông Hiếu kiến nghị khi thiết kế cải cách thể chế lĩnh vực đất đai phải đặt lợi ích của nhà đầu tư và người sử dụng đất lên trước. Càng cải cách mạnh mẽ càng tốt. Bên cạnh đó, những quy định phải hết sức rõ ràng, hợp lý, khả thi và cần có cơ chế hiệu quả để thực hiện được quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Về sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Điều 138, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh phát triển đô thị là quy luật. Tuy nhiên ông Lịch đặt vấn đề: "Liệu có thể để doanh nghiệp tự đi thỏa thuận, thuơng lượng với dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm đô thị được không? Xin thưa rất khó". Ông Trần Du Lịch đề nghị phải có vai trò của nhà nước ở đây để tạo ra thị trường sơ cấp thông qua việc thuơng lượng với người dân qua việc bảo đảm quyền lợi hợp lý của họ.
TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo
Đồng quan điểm, từ thực tiễn tại địa phương, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc tự thỏa thuận của chủ đầu tư và người có quyền sử dụng đất là rất khó khăn. "Ví dụ một dự án đầu tư phải nhận chuyển nhượng của 10 hộ có đất, trong đó nhà đầu tư đã thỏa thuận được với 7 hộ rồi, nhưng còn 3 hộ còn lại làm khó, đòi mức giá quá cao so với thị trường, khiến nhà đầu tư không thể đáp ứng được. Nếu nhà đầu tư chấp nhận với mức giá 3 hộ kia đưa ra thì 7 hộ trước đó đã thỏa thuận sẽ khiếu kiện"- ông Dũng nói và đề nghị cần nghiên cứu có sự điều hành, can thiệp của nhà nước khi doanh nghiệp không tự thỏa thuận được việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân.
Còn TS Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết Luật Đất đai hiện hành, quyền của người sử dụng đất trả tiền hàng năm bị giới hạn hơn trả tiền một lần khá nhiều. Dự thảo đã dù đã cố gắng cân bằng quyền của hai nhóm chủ thể này theo hướng đặt ra khái niệm "quyền thuê" và cho phép bán, chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp… quyền thuê này, tuy nhiên vẫn tồn tại sự khác biệt về việc tính tiền thuê đất và rủi ro số tiền này bị thay đổi qua các năm tiếp theo. Thực tế tại một số địa phương đã có những đợt tăng tiền thuê đất khá lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các DN thuê đất trả tiền hàng năm.
"Do đó, đề nghị bổ sung quy định về giới hạn tăng tiền thuê đất hàng năm. Ví dụ, các địa phương được phép quyết định tiền thuê đất hàng năm theo hướng dẫn, nhưng tốc độ tăng tối đa không quá 1,2 lần tốc độ lạm phát. Như vậy nhà nước vẫn có thể tăng tiền thuê đất trong trường hợp cần thiết, nhưng không đẩy hết rủi ro cho doanh nghiệp"- ông Tuấn đề nghị.
Bình luận (0)