Chính phủ vừa có tờ trình Dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB - sửa đổi) ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo chương trình, tại phiên họp thứ 48, chiều 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với dự án này.
Khắc phục những bất cập
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), qua hơn 10 năm thực hiện, Luật GTĐB 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên toàn quốc... Tuy nhiên, quá trình thi hành đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần được xem xét để thay thế.
Nhiều điểm mới của pháp luật về giao thông nếu được áp dụng sẽ có tác dụng bảo đảm hơn cho trật tự an toàn giao thông
Về phạm vi điều chỉnh, so Luật GTĐB năm 2008, dự án có sự thay đổi. Theo đó, quy định về GTĐB gồm: Kết cấu hạ tầng GTĐB, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về GTĐB. Tuy nhiên, các quy định về quy tắc GTĐB, người điều khiển phương tiện, đăng ký phương tiện, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định trong dự án.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án gồm 6 chương, 102 điều. So với Luật GTĐB 2008, dự án đã bỏ 2 chương: Quy định về quy tắc GTĐB và về người điều khiển phương tiện tham gia đường bộ.
Bên cạnh đó, dự án sẽ có nhiều điểm mới. Về phương tiện tham gia giao thông, Luật GTĐB 2008 chưa có khung pháp lý cho các phương tiện giao thông thông minh, phương tiện đa tính năng có thể di chuyển cả trên đường bộ và đường thủy hoặc hàng không; chưa có cơ chế kiểm soát phương tiện môtô, xe máy gây phát thải ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông; các hạng mục an toàn chưa cập nhật hết với những thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Do đó, dự án bổ sung quy định ôtô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng; bổ sung quy định kiểm soát khí thải định kỳ, đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông đối với môtô, xe máy; bổ sung các hạng mục về an toàn kỹ thuật theo các thỏa thuận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện như: Kiểm tra định kỳ về khí thải môtô, xe máy; trách nhiệm trong việc bảo đảm yêu cầu về điều kiện phương tiện khi tham gia giao thông, giao phương tiện cho người đủ điều kiện điều khiển; bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư, cá nhân, doanh nghiệp thành lập trung tâm đăng kiểm; người đứng đầu trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới...
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, dự án được Bộ GTVT xây dựng với tinh thần khắc phục những tồn tại, kế thừa và phát huy thế mạnh về tính hệ thống, toàn diện của Luật GTĐB 2008. Đặc biệt, phải có tầm nhìn và sự ổn định từ 10-15 năm. Mục tiêu hướng đến một hệ thống GTĐB an toàn, thông suốt, thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí cho nhân dân.
Ngăn cạnh tranh không lành mạnh
Về vận tải đường bộ, Luật GTĐB 2008 phân loại loại hình kinh doanh vận tải chưa phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau; chưa quy định về hoạt động vận tải nội bộ...
Trong khi đó, dự án có tới 35 điều quy định về hoạt động vận tải đường bộ; thời gian làm việc và điều kiện hành nghề của người lái ôtô; công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô; vận tải hành khách bằng ôtô; chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng; quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô; quyền và nghĩa vụ của người lái xe, nhân viên phục vụ trên ôtô kinh doanh vận tải hành khách...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án có một số điểm mới như: Bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải để phân định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ. Bổ sung quy định về công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô. Bổ sung quy định về hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái; hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ôtô; dịch vụ cho thuê ôtô; sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải bằng ôtô.
Bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết trong dự án, nhiều khái niệm mới được bổ sung, đặc biệt là những phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh... để có khung pháp lý sau này điều chỉnh. Đối với quy tắc hệ thống báo hiệu sẽ sửa đổi toàn diện để phù hợp với Công ước Vienna năm 1968 về giao thông đường bộ.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiệp hội này đã có góp ý dự án Luật GTĐB (sửa đổi). "Chúng tôi muốn luật cần quy định về biểu trưng, logo, màu sơn cho taxi; taxi phải là vận tải khách công cộng; chứng chỉ hành nghề taxi phải do doanh nghiệp đào tạo, cấp giấy chứng nhận; xe hợp đồng phải trên 9 chỗ" - ông Hùng nêu.
Đề xuất không dừng xe quá 5 phút
Tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB do Bộ Công an chủ trì soạn thảo vừa được Chính phủ trình Quốc hội không có nhiều điểm khác so với Luật GTĐB 2008.
Điểm đáng chú ý ở dự thảo là Bộ Công an đề xuất về dừng đỗ xe có quy định dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện xuống để mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe.
Dự thảo cũng quy định đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải dừng xe. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết khi vào vị trí dừng, đỗ xe. Khi đỗ xe chỉ được rời khỏi xe khi đã kéo phanh tay hoặc thực hiện các biện pháp an toàn.
Trường hợp phương tiện gặp sự cố kỹ thuật hoặc buộc phải đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm phía sau xe và có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp. Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh và đánh lái về phía lề đường...
Dự thảo cũng quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe bên trái đường 1 chiều; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi có tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên vạch kẻ đường, phần đường dành cho người đi bộ qua đường...
Đánh giá về đề xuất này, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng phù hợp. Mục đích quy định về thời gian như vậy là để tránh kẹt xe trong TP. Tuy nhiên, việc quản lý theo phương thức này phải sử dụng công nghệ thông tin, camera giám sát để tránh gây tranh cãi. Bởi tính thời gian theo cảm tính sẽ rất khó có căn cứ, khiến tài xế không phục...
N. Hưởng
Bình luận (0)