Sáng 5-1, Công an TP HCM tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để thông báo tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Tội phạm giảm thấy rõ
Tại buổi họp báo, Công an TP HCM đã thông tin nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc thành lập lực lượng tuần tra kiểm soát hỗn hợp (gọi tắt là Tổ công tác 363) về trấn áp tội phạm, đang được người dân quan tâm.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết chỉ sau 6 ngày triển khai, Tổ công tác 363 đã phát hiện, kiểm tra, bàn giao xử lý 18 vụ, 40 đối tượng nghi vấn, vi phạm pháp luật. Trong đó có 1 vụ cướp giật tài sản, 8 vụ tàng trữ vũ khí trái phép, 4 vụ liên quan đến hoạt động cho vay, 2 vụ gây rối trật tự công cộng, 1 vụ hủy hoại tài sản, 2 vụ nghi vấn tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngoài ra, các Tổ công tác 363 đã phát hiện và xử lý 356 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tổ công tác 363 tuần tra vào rạng sáng 3-1
Đại tá Quang đánh giá kết quả đạt được ban đầu của các Tổ công tác 363 cho thấy việc điều chỉnh, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp đã phát huy tính hiệu quả, không chỉ góp phần trong chủ động phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.
Nói thêm về Tổ công tác 363, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết TP HCM từng có nhiều mô hình tuần tra khác nhau nhưng chưa đặt tên gọi. Trên cơ sở rút kinh nghiệm những mô hình tuần tra trước đây nên Công an TP cho ra đời Tổ công tác 363. Tổ công tác 363 gồm ba đơn vị: cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp triển khai giữa cấp thành phố và cấp quận, huyện. "Tổ công tác 363 không chỉ tuần tra công khai mà linh hoạt với nhiều phương thức khác nhau để phát huy hiệu quả, giải quyết, ngăn ngừa, giảm bớt tội phạm" - Trung tướng Phong nhấn mạnh.
Đánh giá tình hình tội phạm trên địa bàn TP HCM, Giám đốc Công an TP cho rằng đây là năm thứ 4 liên tiếp TP kéo giảm được tội phạm. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm hình sự vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm hình sự được kiềm chế, kéo giảm nhưng chưa vững chắc, tính chất, cường độ bạo lực gia tăng. Người phạm tội có độ tuổi ngày càng trẻ (riêng đối tượng cướp giật dưới 18 tuổi chiếm 13,45%); đối tượng sử dụng ma túy tăng; các đối tượng hình thành các băng nhóm và sẵn sàng tham gia các xung đột, gây ra nhiều vụ bạo lực tập thể dã man; tội phạm chuyển hóa rất nhanh từ ít nghiêm trọng sang đặc biệt nghiêm trọng...
"Cái gốc vấn đề vẫn là kinh tế - xã hội, giáo dục... chứ không phải năm nay giải quyết bao nhiêu vụ, năm sau bao nhiêu vụ vì đó chỉ là con số thống kê. Để kéo giảm tội phạm một cách bền vững đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các ban ngành và toàn xã hội" - ông Lê Đông Phong nói thêm.
Siết chặt doanh nghiệp vận tải
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, nhìn nhận tình trạng xe container, xe tải gây tai nạn đang là mối nguy hại cho người dân TP. Theo Thiếu tướng Minh, TP HCM là địa phương phát triển về cảng biển nội địa, kim ngạch chiếm 50% của cả nước. Trong nội thành, ngoài nhu cầu xây dựng còn có nhiều cơ sở kinh doanh, gia công cần số lượng nguyên vật liệu lớn nên việc phát triển các loại hình phương tiện như container, xe tải... là tất yếu. "Nói vậy để thấy rằng, nếu siết thì doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải sẽ gặp khó khăn, buông lỏng thì dễ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Đây là mối nguy hiểm đã được cảnh báo nhưng cần thời gian rất dài để giải quyết dứt điểm" - ông Minh nói.
Thiếu tướng Minh khẳng định để xảy ra tai nạn lỗi lớn thuộc về các chủ DN vì họ ép tài xế chạy nhanh, chở quá tải... Thậm chí, một số chủ xe dù biết tài xế tay nghề còn yếu, nghiện ma túy nhưng vẫn đồng ý chấp nhận, giao xe cho họ chạy. Ngoài ra còn có một số đối tượng ở nước ngoài cấu kết với các tài xế là những người nghiện rồi trà trộn gây rối, phá hoại. Thiếu tướng Minh lấy ví dụ thời gian qua một số đối tượng kích động chạy xe container, xe tải vào cảng Cát Lái rồi bỏ xe lại hiện trường đi ngủ gây kẹt xe, nguy hiểm cho người đi đường. "Theo tôi, TP nên siết chặt các chủ DN kinh doanh vận tải để kiểm soát và giảm thiểu TNGT. Công an TP mong muốn trong quá trình sửa đổi pháp luật liên quan sắp tới đây, sẽ quy định về hình thức xử lý đối với chủ DN, tài xế vi phạm để hạn chế thấp nhất TNGT. Hiện nay, các trường hợp chở quá tải, bị ép chạy với tốc độ cao... luật quy định chưa đủ sức răn đe" - Thiếu tướng Minh kiến nghị.
Thống kê từ Công an TP cho thấy trong năm 2018, trên địa bàn TP ghi nhận xảy ra 754 vụ TNGT đường bộ (giảm 28 vụ), làm chết 702 người, bị thương nặng 198 người; 2.889 vụ va chạm giao thông, làm bị thương nhẹ 2.319 người... Ngoài ra, còn xảy ra một số vụ tai nạn đường thủy nội địa khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương.
"Hiệp sĩ" đường phố chưa có tên gọi
Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định cho đến bây giờ Công an TP vẫn chưa trả lời được câu hỏi vì sao không thành lập đội "hiệp sĩ đường phố" mà dư luận quan tâm. Theo ông Minh, các nhóm "hiệp sĩ" hiện nay hoạt động nhưng không được trang bị kiến thức, không hiểu biết pháp luật, ứng xử không tốt gây hiểu lầm và nguy hiểm cho người khác. Đó là chưa kể một số vụ bắt không đúng người, có vụ bắt đúng nhưng không có khả năng ứng phó nên nguy hiểm đến bản thân. "Họ cần được xem như một mô hình dịch vụ bảo vệ phi lợi nhuận, trên cơ sở đó được huấn luyện về nghiệp vụ, pháp lý để hoạt động. Còn hiện giờ vẫn chưa có quyết định chính thức nào nên họ vẫn hoạt động, bắt cướp bình thường" - Thiếu tướng Minh nêu quan điểm.
Lừa đảo mua nhà chung cư phức tạp
Đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có chiều hướng gia tăng mà lãnh đạo Công an TP HCM khẳng định cũng sẽ tập trung đấu tranh, ngăn chặn.
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là người mua chung cư vẫn nhẹ dạ cả tin, dễ dàng bị lừa đảo. Trong đó, có trường hợp đầu tư căn hộ chung cư nhưng đánh tráo rồi bán lại cho nhiều người. Ông Minh còn dẫn chứng thêm trong vụ việc hàng chục người cầm hung khí đuổi chém nhau ở quận Bình Thạnh mới đây, nguyên nhân cũng vì bị lừa mua căn hộ chung cư. "Mỗi năm, Công an TP HCM tiếp nhận rất nhiều hồ sơ về các vụ tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản kiểu này. Lỗi một phần cũng do người dân, báo chí phản ánh nhiều nhưng họ vẫn nhẹ dạ cả tin rồi sập bẫy" - ông Minh nói.
Bình luận (0)