Sáng 5-1, Công an TP HCM tổ chức buổi gặp gỡ các cơ quan truyền thông để thông báo tình hình, kết quả về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Đánh giá hoạt động của Tổ công tác 363, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết qua 6 ngày triển khai, các Tổ công tác 363 đã phát hiện, kiểm tra, bàn giao xử lý 18 vụ, 40 đối tượng nghi vấn, vi phạm pháp luật. Trong đó, có 1 vụ cướp giật tài sản, 8 vụ tàng trữ vũ khí thô sơ (vật nghi súng dạng hộp quẹt gas, dao bấm, côn nhị khúc…), 4 vụ liên quan đến hoạt động cho vay, 2 vụ gây rối trật tự công cộng, 1 vụ hủy hoại tài sản, 2 vụ nghi vấn tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngoài ra, các Tổ công tác 363 đã phát hiện và xử lý 356 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tổ công tác 363 kiểm tra hành chính một số đối tượng rạng sáng 3-1
Kết quả đạt được ban đầu của các Tổ công tác 363 cho thấy việc điều chỉnh, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp đã phát huy tính hiệu quả, không chỉ góp phần trong chủ động phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.
Nói thêm về tổ công tác 363, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM, cho biết TP HCM từng có nhiều mô hình tuần tra khác nhau nhưng chưa đặt tên gọi. Đến thời điểm hiện nay cần hoàn thiện hơn trên cơ sở rút kinh nghiệm những mô hình tuần tra trước đây nên cho ra đời tổ công tác 363. Tổ công tác 363 gồm ba đơn vị: Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát giao thông phối hợp triển khai giữa cấp thành phố và quận, huyện. Tổ công tác 363 không chỉ tuần tra công khai mà linh hoạt với nhiều phương thức khác nhau để phát huy hiệu quả, giải quyết, ngăn ngừa, giảm bớt tội phạm.
Đánh giá tình hình tội phạm trên địa bàn TP HCM, Giám đốc Công an TP, cho rằng đây là năm thứ 4 liên tiếp kéo giảm được tội phạm. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm hình sự vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm hình sự được kiềm chế, kéo giảm nhưng chưa vững chắc, tính chất, cường độ bạo lực gia tăng. Người phạm tội có độ tuổi ngày càng trẻ (riêng đối tượng cướp giật dưới 18 tuổi chiếm 13,45%); đối tượng sử dụng ma túy tăng; các đối tượng thành nhanh các băng nhóm và sẵn sàng tham gia các xung đột, gây ra nhiều vụ bạo lực tập thể dã man; tội phạm chuyển hóa rất nhanh từ ít nghiêm trọng sang đặc biệt nghiêm trọng...
“Cái gốc vấn đề vẫn là kinh tế- xã hội, giáo dục..., chứ không phải năm nay giải quyết bao nhiêu vụ, năm sau bao nhiêu vụ vì đó chỉ là con số thống kê. Để kéo giảm tội phạm một cách bền vững đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các ban ngành và toàn xã hội”- ông Lê Đông Phong nói.
Tại sao Đội đặc nhiệm hướng Nam không thành công ?
Nói về Đội đặc nhiệm hình sự hướng Nam (ĐNHSHN), Công an TP HCM đánh giá, từ khi ra đời, số vụ xâm hại tài sản nơi công cộng trên 5 quận, huyện này giảm nhưng số vụ do chính đội ĐNHSHN bắt thì lại không cao như mong muốn. Nguyên nhân là đội ĐNHSHN đặt trụ sở tại quận 7, trong khi đó địa bàn 5 quận, huyện bao gồm cả Bình Chánh, Bình Tân thì khả năng có mặt để giải quyết các yêu cầu tại những nơi này không kịp. Do đó, quận Bình Tân từng bức xúc, phải "lén lút" tái lập lực lượng riêng.
Ngoài ra, từ khi hình thành cho tới bây giờ thì trang bị tương đối đầy đủ nhưng quy chế để bổ sung, trong đó đặc biệt là kết nối giữa ĐNHSHN thuộc phòng với các lực lượng quận huyện không hoàn chỉnh, không đầy đủ, phối hợp chưa tốt. Để khắc phục những vấn đề trên cần phải có quy chế phối hợp. Gần 1,5 năm chưa có đánh giá đầy đủ nhưng qua theo dõi thì chắc rằng các quận huyện đều có ý kiến muốn tái lập lại tổ hình sự đặc nhiệm quận huyện. Khả năng hiện nay có thể nói 70% mô hình ĐNHSHN không thành công. Do địa bàn quá rộng, không sát cơ sở. Mặt khác, lực lượng này không phù hợp chủ trương của Bộ yêu cầu cấp huyện là toàn diện, nếu rút mất lực lượng của huyện là không đảm bảo.
Bình luận (0)