Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm vừa ký văn bản chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, từ ngày 6-4, Bưu điện TP chủ trì, phối hợp BHXH TP, UBND cấp quận huyện, phường xã thực hiện nhanh việc trả lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 4 và tháng 5-2020 vào cùng một kỳ chi trả thông qua hệ thống bưu điện, hình thức nhận lương qua tài khoản cá nhân.
Riêng hình thức nhận lương, trợ cấp bằng tiền mặt sẽ được chi trả tại nhà không thu phí, bắt đầu từ ngày 7-4 đến 28-4. Những trường hợp chưa nhận tiền sẽ được chi trả tại các bưu cục của bưu điện từ ngày 29-4 đến 25-5, tuân thủ khoảng cách giãn cách 2m, không quá 20 người một lúc.
UBND TP nhấn mạnh yêu cầu Bưu điện TP phải tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trong thời gian sớm nhất.
Như vậy, TP HCM đã đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch trước là từ ngày 16-4 đối với hình thức nhận lương, trợ cấp bằng tiền mặt và ngày 10-4 đối với hình thức chi trả qua ATM.
Trước đó, Giám đốc BHXH TP HCM Phan Văn Mến cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND TP, BHXH TP đã chuẩn bị nguồn kinh phí 2 tháng để đáp ứng nguồn chi; mặt khác BHXH TP phối hợp cùng Bưu điện TP chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện như danh sách chi lương hưu, xây dựng phương án chi cụ thể từng phường, xã tới người hưởng bằng tiền mặt tại nhà...
Đến nay, BHXH TP đã cân đối đủ nguồn chi lương hưu và trợ cấp của tháng 4 và 5-2020; đồng thời đã phối hợp Bưu điện TP xây dựng phương án và các điều kiện cần thiết để chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH sớm hơn để đảm bảo đời sống cho người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH.
Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
BHXH TP HCM cũng vừa có công văn gửi UBND TP về việc góp ý, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Đối với việc miễn, tạm dừng đóng BHXH, BHXH TP cho biết việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nên việc áp dụng phương án 1 cho doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là phù hợp. Về thời gian: tối đa 12 tháng kể từ tháng 2-2020 để cho các đơn vị sau khi hết dịch có thời gian phục hồi kinh doanh, sản xuất.
Đối với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nên thực hiện phương án tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp vì với phương án này sẽ giảm bớt khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp trong thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, mang tính bao quát toàn xã hội. Trong khi phương án miễn đóng chỉ áp dụng cho một số ít doanh nghiệp chưa mang tính tổng thể trong thời gian cần khôi phục kinh tế và làm giảm hụt nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong tương lai.
Về hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền trả lương ngừng việc, dự thảo nêu đối tượng áp dụng chính sách này là doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 có từ 30% lao động và từ 100 lao động trở lên phải luân phiên tạm ngừng việc cộng dồn từ 1 tháng trở lên.
Nếu áp dụng đồng thời cả hai điều kiện trên thì chỉ những doanh nghiệp có trên 300 lao động mới được xem xét. Vì vậy đề nghị rà soát, điều chỉnh lại quy định về đối tượng, cần bổ sung quy định về thời hạn trả tiền vay để các doanh nghiệp có sự chủ động trong kế hoạch kinh doanh, tài chính.
Bình luận (0)