Hiện dư luận đặc biệt quan tâm đến phương án cơ quan chức năng TP HCM đã và đang tiến hành nhằm trợ giúp những người có nhu cầu trở về quê.
Chiều 7-10, phóng viên Báo Người Lao Động trao đổi với thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP HCM, nhiều nội dung nhằm làm rõ vấn đề trên.
- PV: Như thượng tá đã biết, không ít cá nhân, gia đình có nguyện vọng trở về quê sau quãng thời gian khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 ở TP HCM. Sau khi biết tin Bộ Tư lệnh TP hỗ trợ người dân trở về quê, nhiều người không khỏi phấn khởi cũng như mong mỏi tìm hiểu một cách chính xác nhất. Mong thượng tá chia sẻ rõ nét hơn về chủ trương, kế hoạch trên?
- Thượng tá Nguyễn Thanh Phong: TP HCM luôn kêu gọi người dân ở lại làm việc, khôi phục phát triển kinh tế. Vì hoàn cảnh, nhiều người mong muốn trở về quê. Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng.
Từ thực tế, chúng tôi nhận thấy nếu người dân tự điều khiển phương tiện hoặc đi bộ thì không tránh khỏi tình huống rủi ro. Đặc biệt, khi phụ nữ hay trẻ em rời thành phố thì chồng, cha họ buộc phải đi theo. Nghĩa là, cả gia đình gồng gánh nhau về hết.
Vì thế, cơ quan chức năng tổ chức đưa người dân (ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em, người sức khỏe yếu) trở về quê hương với mục đích giúp những người ở lại an tâm làm việc, cống hiến; người về thoải mái, yên lòng. Đây là việc làm hợp lý, vẹn cả đôi đường.
Thực ra từ lâu, lực lượng quân sự tại TP HCM đã thực hiện công tác giúp đỡ người dân trên đường về quê. Tuy nhiên mấy ngày gần đây, số lượng người dân rời TP HCM rất đông. Có những gia đình bồng bế con thơ, dắt díu nhau đi bộ hàng ngàn km rất vất vả. Lực lượng quân đội có phối hợp với công an trợ giúp rất nhiều cá nhân, gia đình gặp khó khăn, trục trặc trên đường về quê.
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong: "Tổ chức đưa người dân về quê là việc làm hợp lý, vẹn cả đôi đường"
- PV: Công tác tổ chức tập hợp, đưa người dân từ TP HCM về những tỉnh, thành phố khác sẽ được triển khai như thế nào, thưa thượng tá?
- Thượng tá Nguyễn Thanh Phong: Trước tình hình như trên, Thành ủy và UBND TP HCM nhất trí với phương án tổ chức đưa người dân về quê do Bộ Tư lệnh TP tham mưu, đề xuất.
Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM chịu trách nhiệm chủ trì; Bộ Tư lệnh TP HCM cùng nhiều cơ quan, đoàn thể dốc sức phối hợp thực hiện. Hiện tại, các đơn vị, ban ngành đang xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Sau khi thống nhất, cơ quan chức năng TP HCM sẽ phát thông báo chính thức, rộng rãi trong nhân dân.
Sau khi tổng hợp số lượng người có nguyện vọng về quê (ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người có vấn đề sức khỏe), cơ quan chức năng TP HCM sẽ thông báo với địa phương nơi tiếp nhận để phối hợp đón tiếp, sắp xếp cuộc sống cho người dân.
Cơ quan ý tế tiến hành test nhanh Covid-19, kiểm tra sức khỏe. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy âm tính với SARS-CoV-2, người dân mới có thể rời TP HCM. Căn cứ vào số lượng người cụ thể về từng địa phương, cơ quan chức năng sẽ tổ chức đoàn đưa người về mỗi tuần, có thể là 2 lần/tuần.
Xe buýt sẽ là phương tiện chủ yếu đưa rước người dân. Trên mỗi xe có cán bộ chỉ huy, hai tài xế và một chiến sĩ đi cùng. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh TP chuẩn bị sẵn sàng lương thực, sữa, nước uống phục vụ bà con suốt hành trình. Ngoài ra, xe vận tải quân sự vận chuyển phương tiện của người dân.
- PV: Thưa thượng tá, muốn có tên trong danh sách về quê, người dân cần liên hệ cơ quan, tổ chức nào?
- Thượng tá Nguyễn Thanh Phong: Bộ Tư lệnh TP HCM tiếp nhận thông tin người đăng ký về quê qua hai đường dây nóng 069.652.401 và 02866.822.000. Chỉ sau hai ngày hoạt động, đường dây nóng đã tiếp nhận hơn 100 thông tin đăng ký. Cơ quan quân sự tại địa phương cũng đảm trách nhiệm vụ hỗ trợ người dân.
Bên cạnh đó, tổ trưởng tổ dân phố, khu phố chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách rồi gửi lên UBND phường-xã-thị trấn. Ngoài ra, cán bộ mặt trận, dân vận sẽ nhiệt tình hướng dẫn.
Tính đến chiều nay, quận Tân Bình thống kê khoảng 1.000 trường hợp đăng ký về quê. Những quận, huyện khác đang ráo riết tiếp nhận thông tin, tổng hợp danh sách.
Bình luận (0)