Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho hay suốt nhiều tháng qua, Ban Quản lý CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh phối hợp với Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản cùng các chuyên gia đến từ Pháp, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc... đã thực hiện nhiều đợt đánh giá, khảo sát tại 9 huyện và TP Quảng Ngãi, lấy hàng trăm mẫu gửi ra nước ngoài phân tích. Bước đầu, các chuyên gia nhận định di sản địa chất đá núi lửa basalt khu vực Lý Sơn - Sa Huỳnh chủ yếu thuộc hệ tầng Đại Nga và Túc Trưng.
Theo PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản, vùng biển Lý Sơn và phụ cận có những lớp địa chất vô cùng phong phú và đa dạng, đánh dấu nhiều đợt chuyển biến của vỏ trái đất trong quá trình tạo núi, biển cách đây hàng triệu năm. Đây là những báu vật địa chất vô giá, hiếm có trên toàn thế giới. Những địa điểm như chùa Hang, hang Câu, giếng Tiền (Lý Sơn) có các vách kiến tạo được biển bào mòn cực kỳ ấn tượng, thể hiện rõ qua những lớp trầm tích núi lửa có niên đại khoảng 10 triệu năm, gắn liền với sự hình thành, tách giãn biển Đông ở khu vực Đông Nam Á.
Những lớp trầm tích do quá trình hoạt động núi lửa tạo ra ở Lý Sơn
TS Phạm Thị Ninh, Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng vùng biển Lý Sơn - Sa Huỳnh không những có giá trị, ý nghĩa lớn về mặt khoa học mà còn về mặt văn hóa, du lịch. Trầm tích núi lửa đã tạo nên nhiều cảnh quan vô cùng độc đáo. Nếu biết bảo tồn, phát huy các giá trị về di sản văn hóa và thiên nhiên, nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du lịch và các nhà nghiên cứu địa chất trên thế giới.
Theo ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi, do nhận thấy những cơ hội và cách tiếp cận mới về phát triển bền vững từ mô hình xây dựng CVĐC toàn cầu nên tỉnh đã xúc tiến kế hoạch xây dựng CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh từ nhiều năm trước. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ nhiệt thành và hiệu quả của các chuyên gia từ mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các nhà khoa học, Quảng Ngãi đã cơ bản xác định các khu vực địa chất, văn hóa có giá trị, với quy mô công viên khoảng 2.000 km2 đất liền, chiếm 39% diện tích toàn tỉnh và 2.600 km2 mặt nước biển, bao gồm toàn bộ chiều dài 130 km bờ biển.
Xúc tiến khai thác 4 tuyến du lịch
Ông Lê Viết Chữ cho biết Quảng Ngãi đã xúc tiến kế hoạch đưa vào khai thác, vận hành 4 tuyến du lịch CVĐC với khoảng 90 điểm có giá trị, cũng như phát triển mạng lưới đối tác trong phạm vi công viên. "Chúng tôi cũng dần hoàn chỉnh hồ sơ và mong muốn được gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO trong thời gian sớm nhất. Qua đó, nhờ sức mạnh của mạng lưới, Quảng Ngãi có thể đi nhanh và đi xa hơn" - ông bày tỏ.
Bình luận (0)