Sau khi tốt nghiệp, Trần Hải Linh được giữ lại Viện Vi Sinh vật học & Công nghệ Sinh học làm giảng viên và nghiên cứu viên. Cơ duyên đã đưa anh đến Hàn Quốc để rồi những năm sau anh trở về cống hiến cho quê hương.
Gắn kết cộng đồng Việt ở xứ Hàn
Khi các GS người Hàn Quốc tới ĐHQG Hà Nội trao đổi học thuật và nghiên cứu khoa học, giảng viên trẻ Trần Hải Linh lúc ấy quyết định sẽ học tiếp tiến sĩ tại Hàn Quốc. "Nền giáo dục, khoa học và công nghệ của Hàn Quốc là nơi phù hợp để tôi thực hiện điều đó, đây là cơ duyên để tôi đến Hàn Quốc sinh sống, làm việc cho đến hôm nay" - Trần Hải Linh nói.
Anh cho biết vẫn nhớ cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến Hàn Quốc vào một ngày rất lạnh, đường băng bị đóng, máy bay không thể đỗ tại sân bay Incheon mà phải hạ cánh ở một thành phố khác, chờ đợi hơn nửa ngày mới bay ngược lại sân bay Incheon. "Bước ra ngoài sân bay là cái lạnh cắt da cắt thịt, tôi nhớ mãi con đường đầy tuyết với chiếc va ly chỉ những bộ quần áo, sách vở làm hành trang. Có thể nói đó là những kỷ niệm không thể nào quên với Hàn Quốc, nay là nơi tôi coi như quê hương thứ hai của mình" - GS của Trường ĐH Inha, Hàn Quốc cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trò chuyện với GS Trần Hải Linh (thứ hai từ phải qua) trong chuyến thăm Hàn Quốc tháng 12-2018 Ảnh: TUẤN ANH
Những ngày đầu đặt chân đến Hàn Quốc, Trần Hải Linh nhận thấy cộng đồng người Việt tại Hàn chưa thật sự gắn bó. "Mọi người không có hoạt động gì tập trung, chỉ chơi với nhau theo những nhóm nhỏ và rất khó để hỗ trợ nhau khi cần" - GS Linh nói. Điều đó đã thôi thúc chàng nghiên cứu sinh người Việt và những người bạn có chung ý tưởng thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, chính thức ra mắt vào năm 2007.
Suốt thời gian kể từ ngày thành lập đến 2012, với cương vị chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Hải Linh và các cộng sự đã xây dựng được mạng lưới 80 chi hội cơ sở sinh viên trực thuộc trên khắp các vùng miền của Hàn Quốc, đến nay con số này đã lên đến hơn 100 chi hội. Nhưng Trần Hải Linh nói anh không muốn sự gắn kết chỉ gói gọn trong cộng đồng sinh viên, bởi cộng đồng Việt Nam tại Hàn Quốc còn có những phụ nữ di trú kết hôn, những người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. "Rất nhiều cô dâu Việt, người lao động cần sự giúp đỡ, hỗ trợ ở nơi đất khách quê người" - Linh nói.
Anh đã chứng kiến không ít trường hợp cô dâu Việt rơi vào bi kịch vì bất đồng quan điểm với gia đình chồng, không biết tiếng Hàn, không tìm được nơi giúp đỡ. "Chúng tôi đã cùng các tổ chức khác mở lớp dạy tiếng Hàn cho các cô dâu Việt. Nhiều du học sinh hay người lao động sang đây bệnh tật, ốm đau, không có bảo hiểm, tài chính cạn kiệt, chúng tôi hỗ trợ họ bằng cách liên hệ với bệnh viện để xin giảm chi phí hay thậm chí cử người chăm sóc" - Linh kể.
Hỏi anh điều gì đã khiến cộng đồng người Việt tin tưởng anh đến vậy? "Có lẽ là sự nhiệt tình và qua những công việc đã làm được. Mình đã và đang cố gắng trở thành cầu nối giữa cộng đồng với quê hương, với các cơ quan tổ chức nước sở tại" - anh trả lời.
Điều khiến anh vui và tự hào, đó chính là cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng trở nên gắn bó và đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn. "Chúng tôi có thêm nhiều hoạt động hướng về quê hương tổ quốc và quan trọng hơn là vị thế của cộng đồng tại nước sở tại cũng dần được nâng cao. Đối với tôi, điều tự hào nhất là hai tiếng "Việt Nam" - GS Linh chia sẻ.
Khôi phục nguồn gien quý hiếm
Lĩnh vực nghiên cứu chính của GS Trần Hải Linh tại Trường ĐH Inha là công nghệ sinh học. Các nghiên cứu của anh chú trọng đến các chất có hoạt tính sinh học để tạo ra các sản phẩm có giá trị thương mại ứng dụng trong cuộc sống và ứng dụng trong năng lượng tái tạo.
Ngoài các bài báo khoa học quốc tế, các báo cáo tại hội nghị, hội thảo quốc tế và quốc gia đứng tên tác giả chính, Trần Hải Linh còn có một bằng phát minh sáng chế tại Hàn Quốc có tên "Sinh học từ vi tảo - năng lượng sinh học thế hệ thứ ba". Một trong những nghiên cứu mà anh và các đồng nghiệp đã và đang thực hiện là khôi phục nguồn gen quý hiếm của sâm núi tự nhiên Sansam, tái nuôi trồng trên vùng núi Yeongju, Hàn Quốc và phát triển thành sản phẩm thương mại. Trần Hải Linh nói anh rất vui khi các thế hệ sau anh đang tiếp thu rất tốt những kiến thức và tiếp tục phát triển để tạo ra các sản phẩm có giá trị thực tiễn. "Tại các trường ĐH Hàn Quốc, các GS và PGS dựa vào những công bố trên tập san khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế hoặc các thành tích nghiên cứu khoa học khác đã đạt được để phát triển nghiên cứu của mình. Phải coi nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết cần phải thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ. Chính quyền - nhà trường - nguồn nhân lực chất lượng cao - doanh nghiệp phải là cầu nối và có mối quan hệ tương hỗ, mật thiết lẫn nhau" - GS Trần Hải Linh trăn trở.
Anh cũng cho hay khi trải qua nhiều môi trường khác nhau mới nhận ra rằng có những mối liên quan nhất định giữa lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và kinh doanh. Vì điều này, Trần Hải Linh tiếp tục thử thách mình ở vị trí mới - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc. "Tôi tin những bước đi đã qua cũng là những kinh nghiệm quý mà tôi có thể dùng nó để đóng góp được nhiều nhất cho cái chung. Giảng dạy và nghiên cứu không thôi thì chưa đủ, tôi cần được thử sức mình trong lĩnh vực mới và tôi hy vọng những kiến thức, kinh nghiệm có được trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu sẽ giúp ích cho tôi trên con đường mới này" - anh nói.
Nặng lòng với Trường Sa
Tôi gặp GS Trần Hải Linh trong một chuyến thăm Trường Sa tháng 4-2015. Hình ảnh những người lính đảo kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió giữa điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt là thiếu rau, thiếu nước đã khiến anh thật sự xúc động.
Ngay khi trở về Hàn Quốc, GS Linh cùng những người bạn đã bắt tay vào việc xây dựng đề án thành lập Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam. "Chúng tôi nhận thấy có thể áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình, những ứng dụng phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc để góp phần nâng cao, cải thiện đời sống cán bộ chiến sĩ và người dân ở Trường Sa. Nước ngọt, rau xanh, điện sinh hoạt là những điều chúng tôi đặc biệt quan tâm, nhất là ở các đảo chìm và nhà giàn, nơi có diện tích nhỏ, hẹp, điều kiện sinh hoạt còn vất vả" - GS Linh chia sẻ.
Anh và bạn bè đã cùng các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc nghiên cứu thành công máy "chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt", bên cạnh đó là các giống rau xanh từ Hàn Quốc chịu mặn, chịu nhiệt, có những đặc tính ưu việt và phương pháp trồng sao cho phù hợp với điều kiện địa lý ở các điểm đảo ở Trường Sa và nhà giàn.
Trong chuyến đi Trường Sa năm 2016, Trần Hải Linh và các đồng sự đã trao 3 máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt ở những nơi có độ ẩm cao trên 70% như đảo chìm Cô Lin, Len Đao và nhà giàn DK1/17. Ngoài ra còn 3 máy phát điện quang năng có hiệu suất cao và các giàn trồng rau thử nghiệm trên các mô hình khác nhau.
Những năm tiếp theo, các thành viên của quỹ tiếp tục mang những thiết bị, máy móc, những nhu yếu phẩm đến với nhiều điểm đảo và nhà giàn hơn. "Còn rất nhiều dự án, chương trình ấp ủ mà chúng tôi đang thực hiện" - GS Trần Hải Linh tâm sự.
Ở đâu cũng có thể cống hiến
Có một câu hỏi rất cũ mà mọi người vẫn luôn đặt ra, đó là nhân tài có nhất thiết phải về Việt Nam hay ở nước ngoài vẫn có thể cống hiến cho Tổ quốc? Hỏi Trần Hải Linh nghĩ sao về việc trở về, anh nói: Ở lại hay trở về quê hương luôn là câu hỏi không dễ đối với các chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
"Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải chọn được con đường có khả năng cao nhất giúp phát huy được tối đa năng lực của mình, từ đó cống hiến được nhiều hơn cho Tổ quốc. Việt Nam sẽ thành công nếu biết khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực của đội ngũ các nhà khoa học và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, cũng như tìm ra những cách thức phù hợp để kết hợp nguồn lực ngoài nước với các nguồn lực trong nước" - GS Trần Hải Linh thổ lộ.
Bình luận (0)