Như vậy, thay vì thu phí với mức 5.000 đồng/xe như lâu nay, khi có nhu cầu đỗ ô tô trong TP, người sử dụng ô tô phải trả phí không chỉ cao hơn mà việc tính phí còn được quy theo giờ, đỗ càng lâu càng tốn kém.
Đã có một tính toán là chỉ với riêng 35 tuyến đường được phép đậu xe, dự kiến mỗi tháng TP HCM sẽ thu về 31 tỉ đồng. Nhưng đấy không phải là mục tiêu lớn nhất mà TP nhắm tới. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nói "việc tăng phí để khuyến khích người dân vào các trung tâm thương mại đậu xe cho đường thông hè thoáng". Nói cụ thể hơn thì đấy là hạn chế xe cá nhân vào nội đô, khuyến khích việc sử dụng các phương tiện công cộng để tránh ùn tắc giao thông.
Thực ra, TP HCM không phải là địa phương tiên phong tăng mức phí đỗ ô tô ở lòng đường để giải bài toán áp lực giao thông trong đô thị. Trước đó, Hà Nội đã mạnh dạn áp dụng dù vấp phải rất nhiều phản ứng của dư luận. Nay thì tuy chưa có thống kê cụ thể về việc người dân sử dụng phương tiện công cộng thay xe cá nhân như mục tiêu sâu xa đặt ra nhưng bây giờ, nhiều tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm, các điểm giữ xe dưới lòng đường trước kia luôn đầy ắp ô tô thì nay thưa hẳn, các vi phạm như thu tiền cao hơn giá quy định... tuy chưa chấm dứt nhưng cũng không phổ biến và lộ liễu như trước. Và dĩ nhiên là có những khó khăn cho người lỡ sắm ô tô lâu nay làm phương tiện đi làm hằng ngày nhưng đã không gây xáo trộn gì lớn trong đời sống xã hội.
Nhưng việc Hà Nội hay TP HCM tăng mức phí đỗ xe ở lòng đường cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong bài toán đô thị. Chẳng có đô thị nào trên thế giới khuyến khích đưa phương tiện cá nhân nói chung, ô tô nói riêng, vào nội đô. Thậm chí như ở Singapore, mỗi chiếc xe khi mua bắt buộc phải lắp đặt một thiết bị thu phí tự động gắn kèm thẻ đã nạp sẵn tiền, lăn bánh là thiết bị hoạt động, các trạm thu phí sóng radio sẽ nhận diện và tính tiền vào thẻ, phí đỗ xe không chỉ tính theo giờ mà còn phạt nặng nếu đỗ quá quy định.
Tất nhiên, không thể lấy đô thị hiện đại như Singapore để so với một TP còn lắm việc phải hoàn thiện như TP HCM. Cũng còn lâu TP HCM mới có mạng lưới giao thông công cộng như Singapore để người dân vì lợi ích mà chọn sử dụng xe buýt, metro… hơn phương tiện cá nhân. Nhưng trong lộ trình để hoàn thiện, những kinh nghiệm giúp các đô thị trên thế giới thành công thì một TP năng động như TP HCM cũng cần mạnh dạn áp dụng một khi đã cân nhắc những hệ lụy đến dân sinh, xã hội, nhất là khi đã có nhiều sự chia sẻ từ cộng đồng mà quan trọng nhất và trước hết là từ người dân TP.
Bình luận (0)