Báo chí từng viết nhiều phóng sự điều tra về việc sinh hoạt của giới này. Nhiều người có tuổi đời rất trẻ, không có bằng lái vẫn ôm vô lăng và chạy rất ẩu, rất lì sau khi đã sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích. Dư luận xã hội đều lo lắng, họ cùng xe tải, xe khách, xe buýt tạo thành đội ngũ những "hung thần" trên các ngả đường, gây nhiều tai nạn thương tâm chỉ vì sự bất cẩn, liều lĩnh, xem thường mạng sống của bản thân và người khác.
Sau vụ tai nạn kinh hoàng tại Long An, tài xế xe container sử dụng ma túy lao xe đâm chết 4 người, bị thương 19 người vào chiều 2-1, cơ quan chức năng tuyên bố ra quân tổng kiểm tra ma túy đối với tài xế. Ngoài TP HCM, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội yêu cầu đến hết ngày 28-2, các doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn phải khám sức khỏe cho toàn bộ tài xế; phối hợp cơ quan y tế xét nghiệm chặt chẽ 4 loại chất gây nghiện: morphin/heroin, amphetamine, methamphentamine, marijuana (cần sa). Nếu tài xế không đủ sức khỏe hoặc dương tính với các chất gây nghiện trên, DN phải dừng ngay công việc lái xe đối với tài xế đó…
Theo nhiều người dân, đã gọi là tổng kiểm tra thì nên mở rộng kiểm tra đối với cả tài xế xe khách, xe tải các loại và kể cả xe buýt, taxi trên cả nước. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm các nước về quản lý đội ngũ tài xế xe tải, xe khách đường dài. Phương tiện kỹ thuật ngày nay tiến bộ, cho phép giám sát hữu hiệu, tài xế chạy quá giờ, vi phạm các quy định về kỹ thuật, an toàn sẽ được phát hiện và xử lý ngay. Các chủ DN, đơn vị quản lý đừng biện minh rằng không biết tài xế và phụ xe nghiện ma túy. Nói rằng sử dụng ma túy để tỉnh táo khi lái xe chỉ là sự ngụy biện, bởi làm việc trong trạng thái căng thẳng, thần kinh không ổn định, lái xe bằng ảo giác thì tính mạng hành khách, người đi đường khác nào treo đầu sợi tóc, tử thần có thể gọi tên bất cứ lúc nào.
Xong một chuyến hàng, tài xế nhận tiền công, chủ hàng thu lợi lớn nhưng xét cho cùng, lối làm ăn đó cũng là tạm bợ nếu tài xế nghiện ma túy, nghiện rượu. Chưa kể tài xế, phụ xe dính vào ma túy thì còn đi kèm tệ nạn khác và những hệ lụy của nó, cộng thêm tình trạng sức khỏe thể chất, tinh thần bị bào mòn, suy kiệt, làm ảnh hưởng đời sống gia đình, bản thân họ. Một cơ nghiệp của ông chủ dựng nên bằng những tài xế ôm vô lăng trên những đường trường song chưa biết tai họa ập đến lúc nào, ai dám chắc sẽ bền chặt; giàu có hôm nay mà biết đâu sạt nghiệp ngày mai, nếu sức khỏe thể chất và đạo đức, tay nghề của tài xế đều không bảo đảm.
Do đó, phải kiểm tra thường xuyên, xử phạt thật nghiêm, rút giấy phép hoặc tước bằng lái, đưa đi cai nghiện, xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm, với không chỉ tài xế mà còn với chủ DN... mới có tác dụng răn đe. Trách nhiệm chính là Bộ GTVT và chính quyền các địa phương, cá nhân nào không tròn trách nhiệm thì phải xử lý kỷ luật thích đáng.
Bình luận (0)