Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe (GPLX). Đề án đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm quản lý chặt, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, cấp GPLX.
Cấm hành nghề
Đã không ít lần, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng quan tâm đến chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX cũng chính là quan tâm đến tính mạng người dân, do đó dễ dãi trong việc sát hạch cấp GPLX là không thể chấp nhận. "Các trung tâm vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe phải bị phạt nặng. Cá nhân vi phạm ngoài việc phạt hành chính cần nghiên cứu quy định cấm hành nghề, thậm chí cấm hành nghề trọn đời" - ông Thể bày tỏ.
Mục tiêu của đề án nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và bảo đảm chất lượng của đội ngũ tài xế. Đề án sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như: quy hoạch chiến lược và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước; kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX; nâng cao công tác sát hạch lái xe; nâng cao chất lượng quản lý, cơ sở dữ liệu quản lý GPLX; quản lý tài xế sau khi đào tạo và quản lý tài xế kinh doanh vận tải...
Nâng chất lượng đào tạo lái xe để bảo đảm an toàn giao thông. Trong ảnh: Một cơ sở đào tạo lái xe tại TP HCM Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Bộ GTVT sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để tăng chế tài xử phạt khi vi phạm như: thu hồi giấy phép đào tạo lái ôtô, giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động; thu hồi thẻ sát hạch viên, giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe đối với các cá nhân có hành vi tiêu cực trong quá trình đào tạo, sát hạch và có thể cấm tham gia các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe tùy theo mức độ vi phạm.
Về kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX, sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo tại tất cả các sở GTVT trong toàn quốc. Xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo của các cơ sở đào tạo lái ôtô không đáp ứng tiêu chuẩn. Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ GPLX giả khai báo mất để được cấp lại GPLX.
Phải tăng nặng hình phạt, chế tài
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng tình hình vi phạm quy định về an toàn giao thông rất nghiêm trọng. Trên nền tảng quy định của pháp luật hiện hành, việc gì làm được phải làm ngay, xử lý nghiêm theo quy định. Những quy định thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, phải sửa ngay, ban hành thông tư mới. Ví dụ việc đổi GPLX, phải bỏ quy định cấp lại bằng khi báo mất mà phải quy định thi lại toàn bộ lý thuyết và thực hành, đặc biệt là đối tượng kinh doanh vận tải chuyên nghiệp.
"Chúng ta cần tổng hợp tất cả những lỗi vi phạm, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh ngay một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, cố tình để bảo đảm đủ sức răn đe" - ông nói.
Về lâu dài, cần nghiên cứu bổ sung vào luật, nghị định theo hướng xử nghiêm đối với lái xe uống rượu, sử dụng ma túy, không chấp hành hiệu lệnh gây tai nạn chết người thì phải thu hồi bằng vĩnh viễn. Trách nhiệm của chủ phương tiện là phải giám sát tài xế. Doanh nghiệp không quản lý được tài xế thì phải chịu trách nhiệm liên đới, tránh tình trạng doanh nghiệp khoán trắng cho tài xế. Với sát hạch lái xe, Tổng cục Đường bộ phải lưu lại hồ sơ của người học, để khi tài xế vi phạm, sẽ có chứng cứ xử lý cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch và hội đồng sát hạch, nếu vi phạm phải xử nghiêm.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay tương đối đầy đủ, điều quan trọng là việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, khâu đào tạo và sau đào tạo, quá trình hoạt động của tài xế hiện chưa có sự kết nối thông tin. "Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lý toàn bộ tài xế, dữ liệu của doanh nghiệp và sẽ kết nối với cơ quan quản lý nhà nước" - bà Hiền nói.
Đề nghị Bộ Công an lập chuyên án việc mua bằng giả
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, việc cần làm ngay trước mắt là tập trung công tác xử phạt. Trước Tết nguyên đán, Cục CSGT sẽ tổng kiểm tra đối với xe khách, xe container. Trong quá trình kiểm tra của lực lượng CSGT, ngành giao thông đề nghị phối hợp tham gia, kiểm tra nhanh ma túy và nồng độ cồn của tài xế.
Đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, ông Hùng cho rằng hiện dư luận nói nhiều về tình trạng bằng giả và mua bằng, mua giấy khám sức khỏe, đề nghị Bộ Công an lập chuyên án, điều tra làm rõ.
Bình luận (0)