Qua cuộc họp này, nhiều người cũng thấy được cản ngại của việc trị ô nhiễm tiếng ồn nằm chính ở sự thực thi của cơ quan quản lý cấp cơ sở.
Các nhà khoa học đã chứng minh ô nhiễm tiếng ồn gây tác hại không hề kém ô nhiễm môi trường hay không khí. Mà ở đô thị, ô nhiễm tiếng ồn có mặt khắp nơi, trong đó có hát karaoke gia đình hay quán nhậu. Hậu quả trước mắt của ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị rất dễ thấy: Người lớn không thể nghỉ ngơi, trẻ em khó tập trung học hành, hàng xóm bất hòa, thậm chí mất an ninh trật tự. Nhiều vụ án mạng xảy ra cũng chỉ vì bị hành hạ quá mức bởi tiếng ồn dẫn đến mâu thuẫn.
Nỗi khổ ải vì tiếng ồn kéo dài lâu nay và ngày càng kinh khủng theo sự tiện dụng của các thiết bị âm thanh. Cứ đám cưới là tổ chức hát hò, ăn nhậu là bật loa la hét, thậm chí nhiều đám ma cũng ầm ĩ thâu đêm suốt sáng... Nhà dân đã khổ, trường học hay bệnh viện cũng không yên thì ai có thể chịu đựng nổi kiểu sinh hoạt văn hóa "cưỡng bức" như vậy?
Nguyên nhân trì trệ của việc xử lý tiếng ồn thường được các lãnh đạo phường, quận đưa ra là do khó đo được âm lượng để xử phạt. Nay, lãnh đạo UBND TP HCM đã nói rõ: Phạt ngay, không cần cơ quan chức năng đo độ ồn; ngoài xử phạt hành chính còn phải tịch thu phương tiện; xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu không dẹp được ô nhiễm tiếng ồn... Mọi thứ đã rõ ràng và cụ thể nên dư luận mong chờ lãnh đạo các địa phương thực hiện rốt ráo.
Cách đây chưa lâu, TP Đà Nẵng cũng đã mạnh tay xử lý ô nhiễm tiếng ồn rất triệt để mà không hề vướng mắc quy định hay thủ tục rườm rà. Ai gây ồn thì bị xử phạt theo Nghị định 167/2013 về hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội, mức phạt lên đến 1 triệu đồng.
Có lẽ không nơi đâu "dễ dãi" với tiếng ồn như nhiều địa phương ở nước ta. Bị tra tấn bởi âm thanh điếc tai nhưng người dân ngại phản ánh với cơ quan chức năng, trong khi cơ quan chức năng dù xác định được đối tượng gây ô nhiễm tiếng ồn nhưng lại ngại xử phạt.
Thử tham khảo: Singapore quy định cụ thể 5 mức xử lý tiếng ồn từ nhà máy, công trình xây dựng, hệ thống thiết bị công cộng....; hành vi tạo tiếng ồn do kinh doanh hoặc từ cá nhân được xác định gây phiền hà thì bị phạt đến 2.000 đô la Singapore. Ở Anh, ngoài các lực lượng đặc thù như cảnh sát, cứu hộ, cứu thương, vận tải... thì cấm dùng loa ở nơi công cộng, ai gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến người khác thì lập tức được mời đến cảnh sát. Nhiều người Việt sống ở Mỹ, Úc... còn không dám nuôi chó, bởi không tiết chế được tiếng sủa thì lập tức bị cảnh sát xử phạt.
Cuộc sống càng hiện đại, mọi người càng tất bật nên cũng rất cần thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Không thể chỉ vì lợi ích hoặc thú vui cực đoan của một số người mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người xung quanh. Vấn đề này không hề là chuyện nhỏ và nó đã gây bức xúc dư luận cả thời gian dài. Nếu không giải quyết được, nói như Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan thì lãnh đạo địa phương nên nghỉ việc.
Bình luận (0)