Đến 8 giờ ngày 9-10, trong thời gian 10 ngày trước Tết và 15 ngày sau Tết (từ ngày 25-1 đến 19-2-2019), ngành đường sắt đã bán gần 111.000 vé. Trong đó, thời gian cao điểm trước Tết từ ngày 20 đến 30 tháng chạp (tức từ 25-1 đến 4-2-2019), tổng số chỗ đã thanh toán khoảng 60.000 vé.
Còn nhiều sao lại khó mua!?
Con số trên % so với tổng số lượng vé khoảng 300.000 mà ngành đường sắt dự kiến cung ứng trong dịp cao điểm đi lại Tết là không đáng kể. Cụ thể: Tết năm nay, ngành đường sắt dự kiến bán ra 300.000 vé, như vậy vé bán ra chỉ mới chiếm 1/3 - tức vẫn còn gần 200.000 vé chưa có người mua. Dù vậy, theo ghi nhận, để mua được vé trong giai đoạn trước Tết hiện không hề dễ, nhất là các chặng từ TP HCM về khu vực miền Trung.
Năm nào vé tàu Tết cũng căng thẳng
Theo khảo sát trên hệ thống bán vé của ngành đường sắt chiều 9-10, các tàu xuất phát từ TP HCM, Đồng Nai đi nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung từ ngày 20 đến 27 tháng chạp (tức từ ngày 25 đến 1-2-2019) đều rất khó đặt được chỗ. Nhiều tàu đã hết sạch vé, trong khi một số hiển thị còn chỗ trống nhưng hầu hết những chỗ này bán cho chặng dài hơn nên khách cũng không thể đặt mua. Đơn cử như tàu SE6 từ TP HCM về Quảng Ngãi ngày 23 tháng chạp (28-1-2019), trên hệ thống hiển thị còn 125 chỗ trống. Tuy nhiên, khách chưa thể đặt mua do tất cả những vé này đều thông báo bán cho chặng dài hơn. Vé khan hiếm nên các ghế phụ cũng hầu hết đã kín chỗ.
Trong khi đó, dù có phần "giảm nhiệt" hơn nhưng ở một số chặng dài như từ TP HCM về Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, lượng vé cũng không còn nhiều, đa phần chỉ còn ghế phụ. "Như thống kê của nhà tàu thì vé còn rất nhiều nhưng tôi canh mua 4 vé từ TP HCM về Quảng Ngãi từ ngày 3-10 đến nay vẫn không thể nào tìm được. Như vậy là sao? Điều gì đã xảy ra?" - anh Nguyễn Khanh, nhân viên công nghệ thông tin ở một ngân hàng có trụ sở ở quận Phú Nhuận liên tiếp đặt ra những câu hỏi nghi ngờ.
Trong khi vé tàu mở bán đại trà chỉ vừa được tổ chức sau ít ngày đã khan hiếm thì một nghịch lý xảy ra trước đó là vé tàu tập thể lại rất ít người mua. Cụ thể, ngày 21-9, thông tin đến báo chí, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay theo kế hoạch bán vé tàu Tết nguyên đán 2019, bắt đầu nhận đăng ký mua vé tập thể từ ngày 23-8 tới 23-9. Thế nhưng, sau thời gian nhận đăng ký, chỉ có khoảng 40 đơn vị tập thể với số lượng vé đăng ký khoảng 8.500 (gồm 4.900 vé lượt đi và 3.600 vé lượt về). Với khoảng 300.000 vé tàu Tết mà ngành đường sắt có thể cung ứng thì số lượng vé tập thể được xem là quá ít.
"Ém" thời gian đăng ký vé tập thể (?!)
Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, số lượng tập thể mua vé không nhiều không phải do ít nhu cầu mà bởi hầu hết đều không nắm được thông tin cụ thể về thời gian nhận đăng ký mua vé, dẫn đến không kịp chuẩn bị. "Thời gian ngành đường sắt nhận đăng ký vé tập thể từ ngày 23-8 nhưng phải đến ngày 14-9, thông tin này mới được công bố rộng rãi, tức chỉ còn đúng 1 tuần để mua vé tập thể vì ngày 21-9 (chứ không phải 23-9 như thông báo) nhà tàu đã chốt sổ. Như vậy, rõ ràng nhà tàu đã cố tình mập mờ công bố thông tin và thời gian đăng ký mua vé tập thể" - chị Trang, đại diện Công đoàn của một cơ quan, bức xúc phản ánh.
Theo chị Trang, với thời gian 1 tuần, Công đoàn ở cơ quan chị phải dán bảng thông báo, thậm chí thông báo gấp cho đại diện các trưởng phòng, ban nhằm phổ biến lại cho công nhân viên phụ trách. Sau đó, những người có nhu cầu mới bắt đầu tính toán và sắp xếp thời gian nghỉ Tết, cân nhắc nhu cầu mua bao nhiêu vé, cho bao nhiêu người, bổ sung các thông tin cá nhân… Dù gấp rút nhưng khi Công đoàn tổng hợp và đến đăng ký mua vé thì vẫn còn rất nhiều người không kịp chuẩn bị để đăng ký.
Trước thực trạng trên, không ít những người làm công tác chăm lo cho người lao động - Công đoàn, cho rằng đa phần người mua vé tàu Tết lẻ trên mạng hiện là nhân viên các công ty, công nhân ở các doanh nghiệp nên khi được mua vé tập thể, họ sẽ không còn phải chen chân lên mạng "canh" để rồi bức xúc vì không mua được vé. Vì vậy, ngành đường sắt cần có kế hoạch chi tiết sớm, tăng thời gian đặt vé tập thể, nhất là các thông tin phải rõ ràng, công bố rộng rãi để các cơ quan, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp tư nhân nắm được chứ đừng làm kiểu nhận đăng ký vé tập thể từ 23-8 nhưng đến 14-9 mới công bố.
Vậy lao động tự do mua vé thế nào? Trả lời câu hỏi này, chị Trang cho rằng không khó, bởi ngành đường sắt hoàn toàn có thể tính toán và bố trí được một lượng vé nhất định để phục vụ nhóm đối tượng này. "Tất nhiên, với khoảng 300.000 vé thì không thể đáp ứng hết nhu cầu đi lại quá lớn trong dịp Tết. Tuy nhiên, trong khâu bán vé cần phù hợp hơn để dư luận đỡ bức xúc trước tình trạng vé tàu Tết luôn trong tình trạng khan hiếm dù chỉ sau vài ngày mở bán. Vì vậy, để tránh "cò" thì giải pháp tập trung bán vé tập thể là hay nhất" - chị Trang đề nghị.
"Cò" vào tận sảnh ga Sài Gòn mời chào
Trước tình trạng vé còn nhiều nhưng người mua không "tranh" được, "cò" vé bắt đầu hoạt động rầm rộ xung quanh ga Sài Gòn (quận 3, TP HCM).
Sáng 9-10, tại khu vực trên có cả chục "cò" vé, liên tục mồi chài hành khách ra vào nhà ga. Thậm chí, "cò" vé còn "lân la" vào tới sảnh nhà ga để chèo kéo khách. Mánh khóe của các "cò" là khẳng định khách muốn đi ngày nào cũng có vé, không lo vé giả bởi có "quen biết" với nhân viên đường sắt. "Tụi này làm ăn ở đây nhiều năm rồi nên uy tín, chỉ ăn chênh lệch 200.000 đồng mỗi vé" - cò T. nói. Để tạo thêm sự tin tưởng, "cò" T. cho biết các vé đều là thật bởi đã đặt giữ chỗ trên mạng và khi có khách mua thì sẽ bán lại và khẳng định vé sẽ đúng với thông tin cá nhân của người mua. Lượng vé này, theo "cò" T., là nhiều nên khẳng định có thể đáp ứng trong những ngày cao điểm (!?).
Bình luận (0)