Khó khăn còn hiện diện nhưng nghĩa đồng bào đã giúp người dân nơi đây vững lòng hơn để tính đến chuyện tương lai.
Chưa phải là dư dả nhưng những thầy giáo, tài xế ở huyện Gò Công Đông, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vẫn cố gắng chia sẻ với những người dân đang gặp khó khăn vì hạn mặn. Họ đã thuê hoặc mượn xe tải chở nước ngọt ở cách xa cả chục cây số mang đến phát miễn phí cho bà con vùng thiếu nước. Từ một vùng đất mênh mông sông nước, nay khó ai ngờ người dân nơi đây phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng đến thế.
Không chỉ Tiền Giang, nhiều tỉnh khác như Bến Tre, Kiên Giang... cũng đang phải chống chọi vất vả với hạn mặn xâm nhập. Ruộng đồng khô cạn, vườn tược héo úa, nước mặn nhiễm sâu vào nội đồng, người dân thiếu nước ngọt để sinh hoạt nghiêm trọng. Đồng cảm với bà con, rất nhiều nghệ sĩ - mà điển hình là ca sĩ Thủy Tiên, Lý Hải... - đã kêu gọi mọi người quyên góp hơn chục tỉ đồng để mua máy lọc nước mặn tặng người dân khó khăn. Cả ngàn hộ dân đã được cung cấp nước sinh hoạt kịp thời và hàng ngàn hộ dân khác sẽ được cung cấp nước ngọt trong thời gian tới. Sự nhiệt tình của ca sĩ Thủy Tiên thật đáng trân trọng: "Sau khi lắp xong máy, tuần sau mình sẽ đi khảo sát thêm ở vùng Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau... và ưu tiên những vùng nước mặn quanh năm".
Cấp tốc không kém, lực lượng Hải quân cũng vào cuộc. Còn Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) mỗi ngày cho tàu chở nước ngọt miễn phí từ TP HCM đến Bến Tre và Cà Mau. Tại các địa phương, nhiều đội thanh niên tự thành lập để chuyên chở nước ngọt đến các vùng sâu, vùng xa dù giao thông cách trở, đường sá khó khăn...
ĐBSCL vốn được thiên nhiên ưu đãi từ bao đời nhưng sự ưu đãi đó không phải là mãi mãi. Cũng như bao vùng đất khác trên thế giới, sự trù phú tự nhiên là giới hạn. Qua thời gian, dân số tăng nhanh, đô thị hóa lấn tràn, điều kiện khí hậu thay đổi và cả sự tác động của con người cũng góp phần đẩy những vùng đất vốn phì nhiêu vào tình cảnh ngày nay. Những thập niên qua, hạn mặn đã nhiều lần tấn công ĐBSCL. Gần đây, đợt hạn mặn vào năm 2016 đã khiến người dân phải lao đao. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt hạn mặn này đã gây thiệt hại đến hơn 5.500 tỉ đồng. Và nay, đợt hạn mặn năm 2020 được cảnh báo vượt qua cả năm 2016.
Thiếu nước ngọt cục bộ chỉ là một phần nhỏ của bức tranh mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa con người và thiên nhiên ở vùng đất này. Hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, đất bạc màu... đang ảnh hưởng toàn diện cuộc sống của người dân. Chống hạn không thể đơn lẻ mà cần những dự án cấp quốc gia, có tác động liên vùng hoặc toàn vùng để có thể quy hoạch cùng vùng sản xuất tập trung. Nhiều nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế đã lên tiếng nhắc nhở về phương hướng phát triển vùng đất này phải dựa vào thiên nhiên, thích nghi với điều kiện tự nhiên tất yếu đang diễn ra.
Mà cũng phải thôi, chúng ta là một phần của thiên nhiên nên phải sống thuận cùng thiên nhiên, không thể cưỡng cầu.
Bình luận (0)