Với những người đàn bà làng chài, có lẽ ngày tháng trôi mau hơn bởi công việc vá lưới. Thời gian võng vọt chạy dài trên những nếp nhăn, trên đôi gò má đỏ sạm vì nắng, vì muối biển. Mắt lưới quyện nỗi lòng mong nhớ, để người trên đại dương và người ở bờ vững dạ.
Mỗi tấm lưới thấm mồ hôi, nước mắt mặn của những người phụ nữ vùng biển và cũng thấm nhiều sự từng trải của trai tráng làng biển. Cuộc sống như có những chuyến tàu đẩy đưa khi người ở đất liền ngồi đan lưới. Cái mỏng manh của nắng, của gió và của mùi vị biển, thấm vào từng mũi cước.
Ở những vùng chài, mùa hè vẫn là mùa của bình yên bên những tấm lưới đang đan dở. Người làng biển tụm năm tụm bảy, cùng đan lưới, từ tinh mơ sớm đến khi mặt trời về hôn lên sóng biển. Có khi, vẫn là những đêm trăng nối dài sợi cước, những mắt lưới vẫn được đan quyện, bằng tất cả niềm tin yêu gửi gắm vào từng chuyến ra khơi vào lộng.
Tôi đã có nhiều buổi chiều đi trên triền cát, gặp nhiều những gương mặt đàn bà vùng biển, tay thoăn thoắt đan lưới, miệng hẹn hò những câu chuyện phiếm, cười giòn. Những gương mặt in lằn dấu ấn thời gian. Những nếp nhăn kéo nhau về bầu bạn thay phần cho màu son phấn nước hoa. Những vết đồi mồi bám trụ bàn tay khỏa lấp đi phần trống vắng của những đêm dài.
Tôi từng ví nụ cười của những người đàn bà vùng biển là sự hiến tặng thanh xuân cho chồng, con và biển cả. Họ đan lưới như đan chính cuộc đời mình. Những mắt lưới kết nối với vạn ngàn lớp sóng để có thể sống lặng yên trong sự mòn mỏi chờ chồng, trông con. Những nụ cười ấy cho họ sự từng trải dạn dày nơi đất liền đằng đẵng.
Nhìn từ những mắt lưới, tôi có những thức cảm về biển. Có phải bao nhiêu thăng trầm của nghề biển đã hun tạo nên dáng hình của những mắt lưới đủ để bền chặt trước sức tàn phá của muối mặn, của đại dương? Hay chính sự tỉ mẩn của những đôi tay đã làm nên chất kết dính và sự vững vàng cho người ra khơi vào lộng? Gió biển thường thổi thốc vào bờ, nơi canh cánh buồm no gió mỗi sớm bình minh với những giàn đèn biển. Không có chuyến hành trình nào trở về trong tâm bão mà lưới không bươm rách, đó là khi đất liền ruột gan nóng ran với bao nỗi bất an. Mới ngày hôm qua, tôi nhận được cuộc điện thoại gọi về từ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) của một người anh thân thiết. Anh báo rằng hàng trăm tấn mực đang bị nghẽn, rớt giá vì thương lái không thu mua. Nghe giọng nói rưng rưng trong điện thoại, tôi cảm nhận được tiếng thở dài vọng lại sau tiếng bíp điện thoại kéo dài. Nông dân, ngư dân, diêm dân, đó là những người dân lam lũ theo mùa và vẫn gặp thật nhiều bấp bênh từ nghề. Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi nếu biển vắng ngư dân, ruộng lúa vắng nông dân, ruộng muối không bóng người…liệu rồi trong bức tranh mưu sinh có còn hơi ấm? Biển bây giờ cũng đã khan hiếm cá tôm, nhiều vùng lộng, vùng khơi ngư dân đang gặp không ít khó khăn trong việc đánh bắt thủy hải sản. Nhiều ngư dân vùng biển lão làng, từng trải bảo rằng không phải nguồn thủy hải sản là vô tận bởi bây giờ đi biển phải đánh đu với nhiều nỗi lo toan. Nhiều ngư trường trong lãnh hải Việt Nam, giờ vắng cá. Đó là quy luật của sinh tồn và phát triển của tự nhiên, nhưng nghe, thấy môi mình mằn mặn.
Từ mắt lưới, tôi nhìn về Tổ quốc trên những lá cờ đỏ sao vàng vừa được trao tặng cho ngư dân miền Trung đang theo tàu cá vươn khơi bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Trong phút giây này, cảm nhận được niềm tự hào lẫn nước mắt, tiếp thêm cho ngư dân sức mạnh vươn khơi.
Hỏi mắt lưới giữa trùng khơi ấy, đã đo đếm được bao nhiêu nỗi niềm của những người đàn bà đan lưới?
Bình luận (0)