Trường THPT dân tộc nội trú huyện Phước Sơn (Quảng Nam) nằm ở trung tâm huyện ở thị trấn Khâm Đức mấy hôm nay rất trầm lặng. Ở đó có nhiều ánh mắt ngóng trông về một ngôi làng ở thôn 3, xã Phước Lộc (Phước Sơn) cách đó tầm 40 km, nơi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng vào chiều 28-10 khiến 5 người chết và 6 người còn mất tích.
Em Hồ Thị Sơ (bìa phải) cùng cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Ly
Có lẽ nước mắt của cậu học trò Hồ Văn Lan lớp 10/2, Trường THPT dân tộc nội trú Phước Sơn đã cạn khô bởi mấy hôm nay em đã khóc rất nhiều vì sự ra đi đột ngột của người thân. Trong nước mắt, Lan gọi thầm tên bà ngoại, tên đứa em gái bé bỏng đang học lớp 4. Lũ đá, lũ đất từ đỉnh núi đã đổ về, vùi lấp ngoại và em của Lan. Lực lượng của xã và người dân đã tìm thấy được họ, tiến hành chôn cất nhưng Lan vẫn chưa thể về nhà để nhìn mặt họ lần cuối. Và giờ đây, người mẹ hiền của Lan cũng đang mất tích trong trận lũ quét hôm đó. Tiếng gọi mẹ không cất thành lời, ở nơi xa cứ xé lòng thầy cô, bạn bè.
Các cô giáo đang động viên, chia sẻ với Hồ Văn Lan
Cô Dương Thị Lệ Quyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 10/2, kể rằng tối 29-10, khi Lan còn ngồi học bài ở trường thì người chị điện cho em thông báo về sự việc đau lòng đó. Nỗi đau tột cùng khiến cho đôi chân Lan không còn đứng vững, như muốn ngã quỵ. Rồi những ngày liên tục sau đó, Lan chỉ biết khóc, nước mắt của cậu học trò chỉ mới 16 tuổi như thể cạn khô.
Cách đây 7 năm, người cha cũng đã qua đời, để lại mấy mẹ con Lan, bà ngoại nương tựa vào nhau. 2 năm nay Lan cùng người anh trai xuống Khâm Đức học và cứ tầm 1-2 tháng lại về thăm ngoại, thăm mẹ một lần khi thời tiết cho phép. "Kể từ khi nghe được tin dữ, em muốn về để tìm ngoại, tìm mẹ nhưng đường sá bị sạt lở, nhà trường cử thầy cô động viên và hứa sẽ đưa em về khi đường thông" – cô Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn, chia sẻ.
Em Hồ Văn Lan ngóng trông về gia đình
Cô Hoàng Thị Quỳnh Ly, giáo viên tâm lý và kỹ năng sống Trường THPT dân tộc nội trú Phước Sơn mấy ngày nay cũng luôn bên cạnh em Hồ Thị Sơ, học sinh lớp 11/1 để động viên, chia sẻ. Đã 2 ngày qua, kể từ khi nghe tin người mẹ mất tích khi lũ quét ập về, tinh thần của Sơ suy sụp hẳn bởi người mẹ của mình đến nay chưa có tung tích. Vậy nên cô giáo Ly và Sơ ngày ngày đến trường cùng nhau, buổi tối cùng về nhà cô ở. "Em khóc nhiều lắm, trong giấc ngủ chầm chờn em gọi mẹ ơi đang ở đâu" – cô Ly kể.
Các cô giáo động viên em Hồ Văn Lan
Sơ sinh ra trong gia đình có 5 người con, những người anh chị đã có gia đình, nên em ở với cha mẹ dưới căn nhà ở thôn 3 gần Lan. Sơ kể rằng hôm lũ quét, cha em là ông Hồ Văn Yên (SN 1963) đang làm ruộng ở gần nhà. Phát hiện lũ quét, ông cố hết sức bỏ chạy xuống tận xã Phước Kim (Phước Sơn) mới thoát được trong tình trạng kiệt sức, thương tích đầy mình. Còn người mẹ Hồ Thị Giấy (SN 1979) ở nhà và nay vẫn còn mất tích.
Cô Thứ cũng cho biết có trường có đến 96 học sinh của trường thường trú ở 2 xã bị lũ quét, sạt lở đất nặng và đang cô lập là Phước Thành, Phước Lộc. Trong số đó có nhiều em gia đình bị thiệt hại nặng nề, mất nhà cửa. "Chúng tôi luôn ở bên cạnh em Sơ và Lan để động viên, chia sẻ khi biết chuyện. Gia đình là mái nhà của các em, sẽ đùm bọc, chở che cho các em trong những năm học còn lại. Tuy nhiên, về tương lai, ước mơ của các em thì phải cần sự giúp đỡ của xã hội" – cô Thứ tâm sự.
Từ khi hay tin mẹ mất tích, Sơ cứ khóc miết
Lan chia sẻ rằng em có ước mơ sau khi tốt nghiệp ngôi trường này sẽ đi học nghề để sớm lo được cuộc sống cho mình. Còn Sơ thì có nguyện vọng trở thành một cô giáo để đưa chữ về cho những đứa trẻ trên những bản làng xa xôi ở quê hương mình.
Bình luận (0)