Qua hơn 2 năm ứng phó vất vả với những hậu quả nặng nề, không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới đã bước qua những thử thách sống còn và rút ra bài học: Phải thích nghi với virus SARS-CoV-2. Điều kiện tiên quyết để bảo đảm về nhân mạng đối với kinh nghiệm này chính là vắc-xin và cải thiện năng lực điều trị của hệ thống y tế.
Chúng ta bị dịch bệnh tấn công muộn hơn nhiều nước. Muộn hơn cũng có những bất cập, đồng thời mang lại nhiều lợi thế. Bất cập ở chỗ ta ứng phó chậm hơn, nghiên cứu vắc-xin trễ hơn. Nhưng chúng ta lại có được kinh nghiệm từ những nước khác và lợi thế này càng được phát huy trong sự chia sẻ quý báu của các quốc gia, các hãng dược khi họ đồng ý chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã tiêm được gần 117,7 triệu liều vắc-xin - một con số mà chỉ vài tháng trước khó ai tưởng tượng được. Hầu hết trong số này là nguồn được hỗ trợ và thông qua chương trình ngoại giao vắc-xin cho nên đến một lúc nào đó thì sẽ không còn dồi dào.
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia đông dân của thế giới. Đã xác định thích nghi với dịch bệnh thì việc tự sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị là con đường phải đi. Nó giúp chúng ta chủ động, giảm chi phí xã hội và là bước thử nghiệm để ứng phó những bất trắc về dịch bệnh khác trong tương lai.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ. Từ năm 1962, chúng ta đã tự sản xuất vắc-xin ngừa bại liệt. Tiếp đó, chúng ta sản xuất vắc-xin đậu mùa, tả, thương hàn, ho gà, giải độc tố bạch hầu, lao... Trong số này, vắc-xin tả dùng qua đường uống của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới xem xét đưa vào dự trữ toàn cầu.
Thời gian qua, Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19. Có đơn vị đã nghiên cứu đến giai đoạn cuối với những thông số chất lượng rất đáng kỳ vọng. Nhưng ai cũng biết nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực y tế rất phức tạp, kể cả về mặt khoa học và xã hội. Muốn thực hiện chương trình vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, cần quyết tâm lớn, mệnh lệnh cương quyết. Trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, vì sự an toàn của người dân, vì sự phát triển kinh tế - xã hội, mọi cản ngại chủ quan đối với công tác phòng chống dịch đều không thể chấp nhận và cần mạnh tay gạt bỏ.
Dịch bệnh là tai ương nhưng sau mất mát cũng dạy chúng ta nhiều bài học. Quan trọng nhất là phải biết đứng cùng nhau để vượt qua thử thách. Hậu quả của dịch bệnh đang diễn ra từng ngày, sớm chủ động được vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 thì càng sớm giảm được tổn thất.
Bình luận (0)