Ngày 13-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo UBND TP đã thị sát các công trường thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đồng thời làm việc về vấn đề triển khai nhanh, khai thác hiệu quả các dự án metro trên địa bàn TP.
Đã có chủ trương phân cấp cho TP
Tại công trường tuyến metro số 1, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiên Nhân cùng đoàn đã khảo sát kỹ các hạng mục công trình, trao đổi với đại diện các nhà thầu về những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Sau khi khảo sát tại nhà ga nổi Phước Long, ông Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn tới kiểm tra tiến độ dự án tại ga ngầm Ba Son, đi bộ xuyên hầm tới ga Nhà hát TP và cuối cùng làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị (QLĐSĐT) TP cùng đại diện các đơn vị liên quan của dự án.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát các công trường thi công tuyến metro số 1 sáng 13-3
Tại buổi làm việc, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban QLĐSĐT TP, cho biết khó khăn hiện nay đối với tuyến metro số 1, đầu tiên là chưa thanh toán được cho các nhà thầu. Cụ thể, năm 2019, dự án không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn ODA do đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư. Vì vậy, hiện tổng hồ sơ đề nghị thanh toán từ nguồn vốn ODA của các nhà thầu thuộc dự án là 2.158,5 tỉ đồng và Ban QLĐSĐT đã đề xuất UBND TP tiếp tục ứng vốn từ ngân sách. Mặt khác, việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là do thời gian thực hiện các hợp đồng kéo dài, một số nội dung từ hợp đồng gốc không còn phù hợp, dẫn đến phải ký các phụ lục điều chỉnh.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho biết liên quan đến các kết luận của Thanh tra TP và Kiểm toán Nhà nước vừa qua, công tác tham mưu, khắc phục thiếu sót cũng đang phải khẩn trương để bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế và các quy định của hợp đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay về 2 dự án metro số 1 và số 2, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng đồng ý giao TP HCM thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư. Theo đó, với tuyến metro số 1, sau khi Chính phủ ủy quyền, UBND TP sẽ giao Sở Giao thông Vận tải thực hiện thẩm định lại theo đúng quy trình và trình UBND TP phê duyệt, sau đó sẽ thực hiện các công đoạn tiếp theo.
Trước thực trạng trên, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân thông tin thẩm quyền thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư hiện nay đã có chủ trương phân cấp lại cho TP. Vì vậy, Bí thư Thành ủy chỉ đạo UBND TP cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, thẩm định theo quy định… để giải ngân vốn cho dự án. Còn trước mắt, đối với tuyến metro số 1, Bí thư Thành ủy cũng thông tin hiện Thủ tướng đã nhận đề xuất xin tạm ứng hơn 2.158 tỉ đồng của TP và hứa sẽ sớm xem xét giải quyết để TP tạm ứng cho các nhà thầu.
Tập trung khai thác quỹ đất
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho biết trong quy hoạch xây dựng các tuyến metro, TP đã có nghiên cứu và định hướng phát triển quỹ đất xung quanh và đó là cơ sở mà nhiều công trình nhà cao tầng, trung tâm thương mại… đang hình thành dọc tuyến xa lộ Hà Nội.
Tuy nhiên, vai trò của nhà nước trong việc khai thác quỹ đất dọc tuyến rất hạn chế bởi đa phần hiện của tư nhân. Do đó, vị này đưa ra vấn đề là nên xây dựng đề án đưa ra cơ chế riêng với định hướng thu lợi từ các dự án bất động sản, dịch vụ… xung quanh các tuyến metro trong tương lai. Nếu thực hiện tốt, việc này sẽ giúp TP có thêm nguồn lực đầu tư ngược lại đối với các tuyến metro sau này, không như 3 tuyến hiện nay đang thực hiện là số 1, 2 và 5 với nguồn lực đang rất khó khăn.
Đồng tình với vấn đề này, ông Phan Nhật Linh, Trưởng Phòng Kế hoạch - Hợp đồng Ban QLĐSĐT, nhìn nhận tất cả dự án đường sắt đô thị tại TP đều có tổng mức đầu tư rất lớn, trung bình khoảng hơn 1 tỉ USD. Trong khi đó, đặc thù của các dự án này là công trình giao thông công cộng, vì vậy khả năng thu hồi vốn rất khó do chủ yếu thông qua bán vé, phát triển thương mại, dịch vụ kèm theo.
Vì vậy, ông Linh đánh giá TP cần định hướng rõ hơn, có các cơ chế để khai thác quỹ đất, không gian xung quanh các dự án metro. Trên cơ sở đó sẽ có nhiều phương thức để xây dựng như có thể sử dụng vốn ODA hoặc thông qua các hình thức đối tác công - tư, các cơ chế để thu hút đầu tư…
Bà Lê Minh Huyền, Phó trưởng Ban QLĐSĐT, cho biết để hình thành hoàn chỉnh tuyến đường sắt đô thị, cần phải có quỹ đất cho công trình phụ trợ, kết nối đường sắt đô thị và phát triển, tận dụng giá trị bất động sản xung quanh do tuyến mang lại. Tuy nhiên, các dự án đường sắt đô thị hiện nay chỉ được giao đất theo đúng phạm vi chiếm dụng của ranh tuyến và nhà ga, còn quỹ đất cho các công trình chưa có. Vì vậy, bà Huyền kiến nghị UBND TP giao các đơn vị liên quan nghiên cứu phát triển quỹ đất xung quanh cũng như sử dụng và quản lý không gian ngầm hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh dự án metro số 1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước khởi đầu cho hệ thống đường sắt đô thị tại TP HCM. Do đó, từ dự án này phải đặt ra mục tiêu tổng thể cho tất cả 8 tuyến metro đã được quy hoạch tại TP.
Trước những khó khăn hiện nay, Bí thư Thành ủy gợi ý UBND TP, Ban QLĐSĐT cần tổ chức đi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài trong việc đẩy nhanh thực hiện các dự án metro cũng như tổ chức tọa đàm để có thêm nhiều ý kiến về xây dựng. Riêng vấn đề cần khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh các dự án metro, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong tháng 4-2019, UBND TP phải "ra đầu bài" việc quy hoạch sử dụng đất dọc các tuyến metro, trong đó cần đề cập quan điểm của vấn đề này, tiến độ thực hiện...
Giữa năm hoàn thành điều chỉnh mức đầu tư
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và tổng mức đầu tư điều chỉnh 2 dự án metro số 1 và 2 tại TP HCM mục tiêu là hoàn thành trong tháng 6-2019. "Sau khi TP phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giải ngân cho TP, tháo gỡ về nguồn vốn" - ông Tuyến nói.
Bình luận (0)