Trước thiệt hại quá lớn do bão, chúng ta lại tiếp tục nghe những giải thích vòng vo của những người có trách nhiệm. Ngay trong lúc người dân mất mát, bàng hoàng thì ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên - lại đổ lỗi cho dự báo thời tiết không chính xác. Và dường như ông muốn dùng lý do này để giải thích cho những thiệt hại nặng nề tại địa phương.
Thiên tai là điều khó tránh khỏi. Nó có thể đến bất cứ lúc nào, bất cứ đâu và vào lúc ít ngờ nhất. Bởi vậy, vai trò của các cơ quan dự báo thời tiết là tối quan trọng. Những thông tin của các cơ quan này sớm giúp người dân có thời gian chuẩn bị để đối đầu với những điều tệ hại nhất có thể xảy ra. Cũng chính từ đây, các cơ quan chức năng trung ương đến địa phương lập ra những phương án ứng cứu. Nhưng đã là dự báo thì chúng ta không thể đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối về địa điểm, mức độ… mà thiên tai ập tới. Mọi cơ quan chức năng ở các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của bão phải tập trung tối đa và có phương án ứng phó 24/24 giờ. Cơn bão số 12 đã được theo dõi liên tục và thông tin chi tiết vài giờ một lần suốt tuần lễ qua. Vì vậy, thiệt hại lớn là do sự chuẩn bị kém.
Lũ đang lên nhanh, người dân hàng chục tỉnh, thành lao đao trong biển nước. Người dân vùng đất này không lạ gì lũ lụt, họ có thể cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại về sinh mạng nhưng hoa màu và tài sản hầu như khó cứu được. Nỗi lo lắng, bất an lớn hơn là hiện nay, chính người dân không thể biết cả chục thủy điện ở khu vực này bao giờ xả lũ, xả thế nào. Những mối hiểm nguy nhất, bất thường nhất vẫn còn ở phía trước và phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của các ông chủ thủy điện.
Chúng ta không thể quên nỗi khốn khổ của người dân bởi mưa lũ và thủy điện xả nước vào các năm trước. Mặc dù cơ quan chức năng kiên quyết yêu cầu thủy điện điều tiết nước, tránh xả lũ ồ ạt khi mưa lũ tràn về nhưng các ông chủ thủy điện luôn có đủ lý do của riêng mình để tùy ý vận hành hồ chứa. Trong khi họ nắm quyền chủ động thì người dân không đủ tiếng nói làm đối trọng để bảo vệ bản thân và tài sản của mình trong cơn đại nạn. Câu chuyện này cứ diễn ra đầy uất ức vào những mùa bão lũ nhưng đến nay vẫn chưa có cách giải quyết khả dĩ.
Hiện thực đau thương này đã được người dân cảnh báo, kiến nghị bao nhiêu năm trước khi các dự án thủy điện được phê duyệt nhưng đã bị phớt lờ.
Bình luận (0)