Tại tỉnh Quảng Bình, đến đầu tháng 11 có gần 8.000 trường hợp mắc bệnh, có 3 trường hợp đã tử vong. Tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện Đa khoa TP Đồng Hới (Quảng Bình), chỉ có 29 giường bệnh nhưng phải điều trị cho gần 200 trường hợp bị SXH, trong đó có 1/3 bệnh nhân có dấu hiệu thuyên giảm đã được các bác sĩ cho về nhà điều trị.
Tại tỉnh Quảng Trị, có hơn 4.700 trường hợp mắc bệnh SXH, chủ yếu tập trung ở TP Đông Hà, huyện Triệu Phong và huyện miền núi Hướng Hóa. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc SXH năm nay cao gấp gần 10 lần.
Nhiều bệnh viện ở tỉnh Quảng Bình đang bị quá tải bệnh nhân do “đại dịch” sốt xuất huyết Ảnh: HOÀNG PHÚC
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến ngày 10-11 có 2.193 ca bị mắc SXH. Tại tỉnh Quảng Nam, có 8.273 ca bệnh SXH (cùng kỳ năm 2018 chỉ 2.807 ca, tăng gần 3 lần). Tại tỉnh Bình Định, đến đầu tháng 11 ghi nhận 5.165 ca mắc SXH.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân gia tăng số ca bệnh SXH thời gian qua là do sự biến đổi khí hậu toàn cầu, mùa hè đến sớm, mưa nắng thất thường, nhiệt độ trung bình và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước nên nguồn lây bệnh phát triển mạnh. Bên cạnh đó, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà trọ không được quan tâm xử lý nên phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh.
Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương tiến hành đồng loạt các biện pháp để dập dịch, như vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi; tăng cường giám sát tại các điểm nóng, đang có số ca mắc SXH tăng cao...
Bình luận (0)