xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miền Trung: Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề

NHÓM PHÓNG VIÊN

Mưa lớn gây lũ lụt chia cắt nhiều vùng cao ở một số tỉnh miền Trung, đã có 5 người bị nước cuốn mất tích

Ngày 6 và 7-10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại các tỉnh miền Trung có mưa lớn kéo dài liên tục khiến một số khu vực ở miền núi bị chia cắt cục bộ, nhiều tuyến đường bị ngập nặng.

Nước sông uy hiếp khu dân cư

Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - khoảng 13 giờ ngày 7-10, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm một số ngôi nhà ở xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) bị tốc mái. Lực lượng chức năng di dời người dân đến nơi an toàn và hỗ trợ sửa chữa lại nhà.

Miền Trung: Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề - Ảnh 1.

Trung tâm TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ngập nặng sau nhiều đợt mưa lớn.Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Nam cho biết mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang lên nhanh và có khả năng xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2. Theo số liệu cập nhật lúc 15 giờ ngày 7-10, hầu hết các hồ thủy điện ở tỉnh Quảng Nam chưa tích đầy nước nhưng lưu lượng nước về hồ khá lớn. Cụ thể, mực nước hồ thủy điện A Vương ở mức 349,7 m (mực nước đón lũ 370 m), thủy điện Đak Mi 4 ở mức 245,2 m (mực nước đón lũ 251 m), thủy điện Sông Bung 4 ở mức 208,1 m (mực nước đón lũ 214 m), thủy điện Sông Tranh 2 ở mức 147,2 m (mực nước đón lũ 165 m). Trước tình hình thời tiết phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động ứng phó tình hình mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển.

Tại Quảng Ngãi, do mưa lớn liên tục kéo dài, mực nước ở các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều đang lên cao. Tính đến 13 giờ ngày 7-10, mực nước trên hầu hết các sông đang ở mức báo động 1, báo động 2. Nguy cơ cao có thể xảy ra lũ ống, lũ quét tại các sông, suối nhỏ và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối thuộc các huyện vùng núi Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long. Ông Huỳnh Công Trí, Giám đốc Ban Quản lý cảng Lý Sơn, cho biết trước tình hình mưa gió diễn biến phức tạp, từ sáng 7-10, tuyến giao thông thủy Sa Kỳ - Lý Sơn (Quảng Ngãi) và ngược lại đã tạm dừng hoạt động.

Miền Trung: Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề - Ảnh 2.

Người dân xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi lội qua đoạn sông Trà Khúc bị nước lũ chia cắt chiều 7-10.Ảnh: TỬ TRỰC

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên yêu cầu các địa phương bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người tham gia giao thông an toàn qua các ngầm tràn; chủ động ngăn cấm lưu thông qua các đoạn nguy hiểm; tổ chức lực lượng thường trực kiểm tra và sẵn sàng phương án ứng cứu các công trình đê, kè, hồ chứa nước xung yếu…

Nhiều địa phương bị cô lập

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, do mưa lớn trong các ngày 6 và ngày 7-10, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh này bị ách tắc vì nước lũ dâng cao. Tại các tuyến đường vào các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của đồng bào Rục (xã Thượng Hóa); bản vùng Lòm (xã Trọng Hóa); bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa)… bị ngập sâu, gây chia cắt bởi nước từ các khe suối dâng cao.

Tại huyện Quảng Ninh đã có 2 bản bị cô lập với hơn 270 hộ cùng gần 1.000 nhân khẩu. Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết do mưa lớn và liên tục trong mấy ngày qua đã gây ngập sâu tại 2 điểm ngầm Khe Ngang và bản Mới khiến 2 bản Hang Chuồn - Trường Nam và bản Khe Ngang bị cô lập hoàn toàn.

Trong ngày 7-10, ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại huyện Minh Hóa và yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung phương tiện, nhân lực nhằm chủ động di dời dân tại các vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn. Chính quyền các địa phương cần bố trí lực lượng canh gác tại các tuyến đường giao thông bị nước lũ chia cắt để ngăn người dân qua lại nhằm bảo đảm an toàn; đồng thời có kế hoạch dự trữ, cấp phát lương thực, thực phẩm cho dân, không để dân đói khi ngập lụt kéo dài…

Theo ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, tại địa phương này cũng có một số xã miền núi như Ba Xa, Ba Lế, Ba Trang (huyện Ba Tơ); Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy, Sơn Ba (huyện Sơn Hà)… đang bị nước lũ chia cắt; tình trạng sạt lở xuất hiện nhiều nơi.

Kịp cứu hộ thuyền viên trên 2 tàu bị chìm

Mưa lớn khiến hàng loạt đập, cầu tràn ở các xã Ba Tầng, A Dơi (huyện Hướng Hóa) và các xã Hướng Hiệp, Ba Lòng, A Vao, La Lay và xã Ba Nang (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) bị ngập nặng, gây chia cắt cục bộ. Riêng tại huyện miền núi Hướng Hóa, có 2 người dân bị nước cuốn mất tích khi chèo thuyền qua suối để về nhà. Đến chiều tối 7-10, dù lực lượng chức năng và người dân địa phương đã nỗ lực tìm kiếm, tuy nhiên vẫn chưa thấy tung tích.

Chiều tối 6-10, dù mưa lớn, ông Nguyễn Văn Trường đón con từ trường học về qua ngầm tràn ở xã Ia Puch (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) bị vấp ngã và nước cuốn mất tích.

Còn tại xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), vào tối cùng ngày, 2 thanh niên đang đi xe máy cũng bị nước cuốn trôi xuống cống. Một người bơi được vào bờ, 1 người mất tích.

Tại Bình Định, khuya 6-10, tàu BĐ 96365 TS đang đánh cá tại vị trí cách bờ biển huyện Phù Cát khoảng 24 hải lý về phía Đông thì bị sóng đánh chìm, 13 ngư dân phải rời tàu xuống thuyền thúng thả trôi trên biển. Đến sáng 7-10, những ngư dân gặp nạn được 2 tàu cá khác của ngư dân Bình Định ứng cứu.

Đầu giờ chiều 7-10, tàu Thành Công 27 có trọng tải 4.600 tấn, chở clinker bị sóng đánh chìm khi cách cửa biển vào cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế) khoảng 2 hải lý. 11 thuyền viên chia thành 2 nhóm lên 2 phao bè cứu sinh, trong đó nhóm 5 người nhanh chóng vào bờ đoạn khu vực cửa biển Tư Hiền an toàn; nhóm 6 người đi trên phao bè còn lại trôi dạt vào bờ biển phía Nam cửa Tư Hiền (đoạn thuộc xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) và được lực lượng cứu hộ tìm thấy. 

Mưa rất to và tiếp tục nhiều ngày

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên trong ngày 8-10, từ Đà Nẵng đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm, riêng Đà Nẵng có nơi trên 150 mm.

Từ nay đến ngày 10-10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-600 mm; ở Nghệ An có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm. Sau ngày 11-10, mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

V.Duẩn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo