Đó lần lượt là cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Trung ương Văn phòng Trung ương Đảng về nội dung Hội nghị Trung ương 8 (sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 6-10); họp báo của UBND TP Đà Nẵng trong đó có thông báo về những trường hợp du khách đến thành phố này bị tử vong bất thường và cuộc gặp phóng viên các báo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM để công bố kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên mắc sai phạm.
Mấy tuần gần đây cũng có những cuộc họp báo đáng chú ý như thế.
Mức độ quan tâm của người dân về mỗi sự kiện khác nhau và dung lượng thông tin của từng cuộc họp báo cũng khác nhau nhưng tất cả cùng có chung một điểm, đó là sự cần thiết. Người dân luôn cần thông tin và thông tin phải chính thống, đúng thời điểm, vì thế việc tổ chức họp báo, mời đông đảo phóng viên báo - đài đến dự và đưa tin là cách làm phù hợp, hữu ích, kịp thời.
Lẽ ra phương thức phổ truyền thông tin chuyên nghiệp như thế này đã được vận dụng rộng khắp từ lâu chứ không phải đến bây giờ, do đã được luật hóa rõ ràng bằng Luật Tiếp cận thông tin, Quy chế Phát ngôn, Luật Báo chí (mới nhất là Luật Báo chí 2016 sửa đổi). Vì nhiều lý do, trong đó có lý do phổ biến là coi thường công chúng hoặc ngán ngại dư luận, nên nơi có thông tin đã không chủ động công bố, thậm chí ém nhẹm. Báo chí - truyền thông với vai trò và sứ mệnh của mình phải tìm nhiều cách để có thông tin cho công chúng nhưng do bị nguồn tin bưng bít nên đã dẫn đến nhiều trường hợp đưa tin thiếu chuẩn xác, sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong hầu hết các trường hợp như vậy, báo chí phải chịu trách nhiệm; còn cá nhân - tổ chức lẽ ra phải có trách nhiệm công bố thông tin thì chẳng hề hấn gì. Đây là sự bất công, vô lý, đi ngược tinh thần pháp trị.
Chấp hành nghiêm luật định về công bố thông tin không chỉ chứng minh nghĩa vụ pháp lý, tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn là biểu hiện của sự nhân ái, văn minh. Đã có nhiều bài học cay đắng do giấu giếm hoặc chậm thông tin. Ai cũng biết thông tin thiếu hoặc sai có thể gây tai hại đến mức nào; vậy nên đưa thông tin đúng, kịp thời chỉ có lợi cho việc chung, như nhiệm vụ quản lý, điều hành xã hội của nhà chức trách và sự ổn định của đời sống cộng đồng.
Nghĩa vụ công bố thông tin và quyền được tiếp cận thông tin của công dân đã được Hiến định. Nhưng giữa quy định pháp lý và thực tiễn vận hành bao giờ cũng có những độ vênh nhất định. Vì thế, trên con đường dài vươn tới một xã hội pháp quyền hoàn thiện, rất cần sự đồng hành của những "dấu chân" tiến bộ, trong đó quyền về thông tin, sự minh bạch thông tin là đóng góp quan trọng.
Bình luận (0)