Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 5-10 tổ chức Diễn đàn tôm Việt năm 2020, với chủ đề: Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững mô hình tôm - lúa ở ĐBSCL.
Diện tích tôm - lúa tăng gấp 3 lần
Mô hình canh tác tôm - lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển ĐBSCL (mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hằng năm). Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng. Các tháng còn lại đều bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên.
Phát triển cả lúa và tôm trong hệ canh tác sẽ giúp nông dân ĐBSCL tăng lợi nhuận .Ảnh: PHÚC NGUYÊN
Trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì mô hình tôm - lúa được ưu tiên phát triển, nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Đây được nhận diện là mô hình thủy sản bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác.
Năm 2000, diện tích nuôi tôm - lúa ở ĐBSCL đạt khoảng 71.000 ha, đến năm 2020 tăng hơn 211.900 ha, sản lượng ước đạt hơn 84.700 tấn. Trong số này, nhiều nhất là Kiên Giang khoảng 100.000 ha, Bạc Liêu hơn 57.800 ha, Cà Mau hơn 38.000 ha, Sóc Trăng khoảng 9.700 ha. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình nuôi tôm - lúa mặn - lợ có thể nuôi 2 vụ, một vụ tôm và một vụ lúa; hiệu quả kinh tế đạt 60-70 triệu đồng/ha/năm.
Ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Đê (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), cho biết HTX được thành lập năm 2014 với 16 thành viên, đến nay có 78 thành viên, thực hiện mô hình sản xuất chính là nuôi tôm kết hợp lúa, hoa màu. Khoảng năm 2006, HTX bắt đầu triển khai mô hình tôm - lúa, tuy nhiên sản lượng còn thấp. Sau đó, HTX chuyển đổi từ lúa thường sang lúa ST5 theo định hướng và phát động của Sở NN-PTNT, nhờ đó tăng năng suất, giá bán cao. Từ giai đoạn 2016-2019, HTX bắt đầu sản xuất theo hướng hữu cơ, dưới sự hỗ trợ của doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm, phát triển các giống lúa ST20, ST24.
Cũng theo ông Hồng, khi thực hiện mô hình, nông dân tận dụng để nuôi trồng thêm các sản phẩm khác như trồng hoa màu trên bờ bao lúa. Bên cạnh đó, nông dân kết hợp nuôi cá, vịt con để ăn sâu rầy trên ruộng lúa. Hạt gạo và con tôm trong ruộng lúa ngon hơn lúa và tôm có sử dụng thuốc và phân hóa học, kháng sinh; giá thành của lúa trồng trong mô hình tôm - lúa cao hơn lúa thường.
Trăn trở lúa - tôm hữu cơ
Phát biểu tại diễn đàn, TS Vũ Nam Sơn, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng trong canh tác tôm - lúa, để tăng giá trị sản phẩm, chúng ta đã có tôm - lúa, tôm sinh thái. Tuy nhiên, chỉ số nào trong sản phẩm tôm sinh thái hay tôm hữu cơ là quyết định để thấy sự khác biệt với sản phẩm thông thường. Đây cũng là cơ sở để nhận thấy giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng hiện nay canh tác lúa - tôm hữu cơ đang bị ảnh hưởng bởi nguồn nước thải ra từ những vùng chỉ chuyên sản xuất lúa hoặc chuyên nuôi tôm, dẫn đến lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, chưa có sự đầu tư về giống tôm, chất lượng giống và môi trường; sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước ngọt; bà con chưa liên kết để làm mô hình, làm đất và gieo theo lịch đồng loạt.
"Trồng lúa sau khi nuôi tôm sẽ làm cho đất không bị mặn hóa vì chúng ta chủ động rửa mặn trồng lúa. Nếu chúng ta nuôi tôm kéo dài, đất nhiễm mặn không thể khôi phục để trồng trọt được. Giống lúa ST25 được công nhận gạo ngon nhất thế giới là nhờ kháng được bệnh, không cần dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật..." - kỹ sư Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống lúa ST25, nêu ý kiến.
Cũng theo nhiều chuyên gia, để sản xuất được tôm - lúa hữu cơ là cả một quá trình. Trong mô hình tôm - lúa, muốn có tôm hữu cơ thì phải có lúa hữu cơ. Trong khi hiện nay, tôm hữu cơ chỉ được chứng nhận cho tôm sú, mà chỉ có ở mô hình tôm - rừng tại Cà Mau.
Đủ điều kiện tạo thương hiệu
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhận định trong mô hình tôm - lúa, thời gian trước bà con chưa quan tâm nhiều đến cây lúa nhưng hiện nay nước ta có những giống lúa chất lượng cao. Phát triển cả lúa và tôm trong hệ canh tác sẽ giúp bà con tăng lợi nhuận. Không những vậy, canh tác lúa - tôm còn hướng đến mục tiêu lúa thơm - tôm sạch, lúa - tôm hữu cơ. "Với diện tích tôm - lúa hiện có của vùng ĐBSCL, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để làm nên thương hiệu. Khi đã có thương hiệu và sản lượng đủ lớn thì chúng ta có thể làm chủ được thị trường" - ông Trung nêu.
Bình luận (0)