Hầm sông Sài Gòn được các chuyên gia kiến trúc đánh giá là đường hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á. Với chiều dài 1,5 km, rộng 33 m, con đường dưới lòng đất ngoạn mục giữ vai trò tiên phong cho sự phát triển phía Đông thành phố. Nó nhấn mạnh đến giá trị một không gian kiến trúc vốn chưa được các quản lý đánh giá đúng mức: Không gian ngầm.
Với những thập niên trước, khi không gian đô thị còn thông thoáng, mật độ dân cư thấp, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao thì việc tận dụng không gian trên mặt đất khá đơn giản. Những tòa nhà cao tầng đủ sức phục vụ cho các nhu cầu của người dân cả về mặt cá nhân lẫn công cộng. Nay đã khác, mật độ dân cư đô thị tăng cao, nhu cầu sử dụng không gian vì mục đích dân dụng và phát triển xã hội bùng nổ nên phải tận dụng một nguồn tài nguyên đang ngủ yên lâu nay chính là không gian ngầm.
Tuy những lo ngại về kỹ thuật, thiên tai, quản lý còn nhiều thách thức nhưng với thiết bị và công nghệ ngày càng hiện đại thì việc xây dựng và vận hành những kiến trúc ngầm đã đơn giản hơn nhiều. Ví dụ một tòa nhà thương mại 15 tầng hiện tại, nhà quản lý có thể thiết kế 5 hầm ngầm vừa làm nơi kinh doanh, bãi đỗ xe… nhưng vận hành vẫn rất tốt. Và đây cũng là yêu cầu thiết yếu để phát huy hết công năng của một công trình kiến trúc lớn. Hay trong kế hoạch xây dựng các bãi đỗ xe ở khu trung tâm của TP HCM đang được cơ quan chức năng trù tính, vẫn ưu tiên cho công trình ngầm, bởi tiết kiệm được không gian, giảm sự tác động đến hạ tầng giao thông đang ngày càng bí bách.
Quy hoạch không gian ngầm là vấn đề cần kíp nhưng phải thực hiện trong tầm nhìn chủ động chứ không phải do hoàn cảnh bắt buộc. Quy hoạch không gian ngầm đi trước để không xảy ra xung đột với không gian xây dựng hiện tại và cả trong tương lai. Từ đây không gian ngầm mới phát huy hết tác dụng đối với nền kinh tế của thành phố và tăng giá trị sử dụng cho người dân.
Sử dụng không gian ngầm, có thể nói từ khá sớm là Nhật Bản. Dù đất nước nằm trong vành đai núi lửa, luôn bị đe dọa bởi động đất nhưng từ nửa sau của thế kỷ XX họ đã hoàn thiện hệ thống tàu điện cao tốc mà hầu như toàn bộ nhà ga, đường qua đô thị đều đi ngầm dưới lòng đất. Hay như hệ thống metro của Paris (Pháp) có đến hơn 200 km đi dưới mặt đất. Nhiều trung tâm thương mại, nhà triển lãm, dịch vụ du lịch… được ẩn dưới Paris hoa lệ và được quy hoạch tuyệt mỹ.
Những kinh nghiệm gần gũi đó đang được chúng ta tái hiện ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Vai trò chính đảm nhận vận tải hành khách công cộng ở đô thị đông đúc vẫn phải là hệ thống metro ngầm hoặc bán ngầm. Các trung tâm thương mại, kinh tế đêm, không gian công cộng… phải được tận dụng xây dựng ở dưới lòng đất để giãn mật độ lưu thông trên mặt đất. Muốn được vậy từ bây giờ phải có quy hoạch cụ thể để những bước đi trong tương lai sẽ ít tốn kém hơn, trả giá thấp hơn nhưng giá trị phục vụ lại cao hơn.
Bình luận (0)