Mỗi tin bão vào đất liền là một lần phập phồng lo sợ bởi chúng ta đã trải qua quá nhiều tang thương từ bão lũ. Những cái tên bão xa lạ nhưng khi đi qua mảnh đất quê hương liền trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Bão Chanchu (năm 2006) quét ngang vùng biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi làm chết và mất tích 266 người; bão Xangsane (năm 2006) đổ vào Đà Nẵng làm chết 70 người, thiệt hại khoảng 10.000 tỉ đồng; siêu bão Sơn Tinh (năm 2012) quần thảo trên vùng biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình làm chết 7 người, nhiều người mất tích, gây thiệt hại hơn 7.500 tỉ đồng. Khủng khiếp nhất, cơn bão mang tên Linda (1997) bất ngờ quét ngang 21 tỉnh, thành phía Nam gây ra cái chết của gần 3.000 người. Gần đây nhất, bão số 5 đổ bộ vào nước ta vào ngày 18-9 vừa qua cũng làm 6 người chết và 112 người bị thương. Đợt mưa lũ lần này ở miền Trung và Tây Nguyên, tính đến chiều 12-10 đã có 23 người chết, 18 người bị mất tích.
Hầu như đã thành quy luật, mỗi năm có hơn 10 cơn bão vào biển Đông, phần lớn trong số này đổ bộ vào miền Trung nước ta. Người dân ở vùng đất này cũng đã quá quen với thiên tai và quen luôn cả những nỗi đau mà bão tố gây ra. Trở lại với đợt mưa lũ những ngày qua, diễn biến vẫn không khác nhiều như những đợt mưa lũ trước đó: nước lớn cô lập nhiều vùng núi, cắt đứt giao thông; nước dâng ngập cục bộ một số thành thị, gây sập công trình, nhà cửa... làm nhiều người chết và hủy hoại nguồn tài sản khổng lồ. Trong nỗi lo sợ từ nước trời, người dân miền Trung còn thấp thỏm với những tin lũ từ các đập thủy điện. Nhà cửa, ruộng vườn bị ngập tang hoang sau gần một tuần mưa gió, nay nghe thông báo hàng chục thủy điện xả lũ, nhiều người chỉ biết thở dài theo con nước.
Không phủ nhận thủy điện đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia nhưng cũng không thể quên những xung đột lợi ích của thủy điện với hàng triệu người dân tại nhiều địa phương phía hạ nguồn. Mùa nắng, trong khi người dân cần có nước sản xuất thì thủy điện tích nước, gây khô hạn. Ngược lại mùa mưa bão, người dân phải chống chọi với lũ dâng thì thủy điện xả nước ồ ạt để bảo vệ đập. Không những hư hại tài sản, hoa màu mà đã có người phải bỏ mình vì lũ từ thủy điện.
Điệp khúc mùa khô tích nước, mùa mưa xả lũ cứ lặp đi lặp lại làm khổ người dân. Quy trình xả lũ, thời gian mở đập đều được thông báo trước nhưng dù quy trình gì đi nữa thì hàng triệu khối nước cũng đổ vào ruộng vườn, nhà cửa của người dân. Nỗi lo này còn dài bởi cả nước có đến 345 thủy điện đang vận hành và theo quy hoạch, chúng ta có đến 800 thủy điện.
Thiên tai là không tránh khỏi nhưng có thể giảm tối đa thiệt hại trong sự chủ động của con người. Không thể cứ tồn tại mãi chuyện nhà đầu tư khăng khăng bảo vệ nguồn lợi của mình còn người dân thì phải gánh thiệt hại về nhân mạng, tài sản. Phải đặt tính mạng, tài sản của dân lên hàng đầu, giám sát chặt chẽ quy trình và rõ địa chỉ trách nhiệm khi thủy điện xả lũ gây ra thiệt hại cho vùng hạ du.
Bình luận (0)