Năm 2000, diện tích nuôi tôm - lúa ở ĐBSCL là 71.000 ha. Đến năm 2015, con số này là 175.000 ha và hiện nay khoảng 200.000 ha, chiếm hơn 25% tổng diện tích nuôi tôm toàn vùng.
Từ xung đột đến sống chung
Vào những năm cuối của thế kỷ trước, cuộc xung đột giữa cây lúa và con tôm ở ĐBSCL diễn ra không có hồi kết. Lợi nhuận từ con tôm quá hấp dẫn, nhiều nông dân vượt rào, tự ý dẫn nước mặn vào vùng quy hoạch trồng lúa để nuôi tôm. Những người muốn giữ lúa cũng đành bất lực.
Một mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm mang lại hiệu quả cao và bền vững
Ông Lê Văn Chương, một hộ nuôi tôm ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, cho biết ban đầu ông cũng không định nuôi nhưng khi một vài hộ có đất giáp ranh tự ý dẫn nước mặn vào ruộng để nuôi tôm thì ông cũng nuôi theo. "Họ nuôi sát bên mình, không nuôi cũng đâu có được. Khiếu nại thì chuyện cũng đã rồi. Cứ thế, những hộ gần đất tôi cũng phải nuôi theo" - ông Chương kể.
Không ngăn nổi làn sóng tự phát của người dân, chính quyền một số địa phương đành phải chấp thuận chuyển nhiều vùng trồng lúa sang nuôi tôm. Thời gian đầu, con tôm đem lại diện mạo mới cho vùng nông thôn, nhiều hộ vươn lên khá, giàu thì mặt trái của việc phá vỡ quy hoạch đã xuất hiện: đất đai cằn cỗi, hoang hóa, tôm chết triền miên, nông dân điêu đứng, nợ nần chồng chất.
Trong bối cảnh ảm đạm của nghề nuôi tôm, điểm sáng lóe lên từ những mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa. Trong hệ thống canh tác tôm - lúa, sau khi nuôi một vụ tôm thì trồng một vụ lúa. Khi đó, những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng phân nhỏ là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người dân phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 70%-80%). Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa, nên các chất độc hại giảm, hạn chế tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu; đồng thời cắt mầm bệnh trong ao nuôi, môi trường ổn định, khi nuôi tôm không cần sử dụng nhiều thuốc, hóa chất, hạn chế chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng cao.
Bỏ lúa là mất tôm
Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang là 4 tỉnh được chọn thực hiện dự án "Xây dựng mô hình nuôi tôm - lúa ở ĐBSCL". Theo ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê (huyện Mỹ Xuyên) - nơi được coi là "thủ phủ" của mô hình "tôm - lúa" của tỉnh Sóc Trăng, người nuôi tôm bước vào đầu vụ năm nay gặp thời tiết có nhiều dấu hiệu bất ổn, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của tôm. Tuy nhiên, thời tiết chỉ là một phần, chuyện người dân bỏ lúa chạy theo sản lượng tôm mới thật sự là nguyên nhân mang lại bất ổn cho người nuôi tôm.
Năm 2009, tổ hợp tác Hòa Đê chính thức ra đời và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình HTX từ năm 2014, với 16 thành viên, 15 ha diện tích "tôm - lúa". Đến nay, HTX Nông ngư Hòa Đê có 71 thành viên với tổng diện tích 81 ha "tôm - lúa" nhưng vụ lúa năm 2018, toàn HTX chỉ trồng được 32 ha lúa. Ông Hồng cho biết ở thời điểm đầu thực hiện, năng suất và hiệu quả mô hình "tôm - lúa" mang lại cho người dân thu nhập khá ổn định. Có những năm lợi nhuận từ tôm lên đến 80- 90 triệu đồng/ha.
Do chênh lệch thu nhập giữa con tôm và cây lúa nên những năm tôm trúng mùa, được giá thì một số xã viên không trồng lúa mà tiếp tục nuôi tôm dẫn đến ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn lưu, ảnh hưởng đến những vụ tôm tiếp theo. Thực tế trong 3 năm liên tiếp (từ 2016 đến 2018), nhiều xã viên HTX Nông ngư Hòa Đê đã mất mùa tôm khi không trồng lúa. Như vụ tôm năm 2018 đã có khoảng 40% diện tích ao tôm của HTX thất bại. Ngay gia đình ông Hồng, thả nuôi 3 ao nhưng tôm bị bệnh, chỉ thu hoạch được hơn 100 triệu đồng, lỗ gần 300 triệu đồng; năm 2017 thu được 190 triệu đồng, chỉ đủ tiền thức ăn cho tôm.
Trong khi đó những hộ dân duy trì trồng lúa, việc nuôi tôm không những ổn định mà còn tăng cả năng suất lẫn giá. Như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khoa, thành viên HTX Nông ngư Hòa Đê, với 3 ha đất, ngoài nguồn thu từ nuôi tôm, vụ lúa năm 2018 đưa vào trồng 2 ha lúa giống ST24 cho thu hoạch hơn 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 40 triệu đồng. Dự kiến, hết vụ tôm năm 2019, gia đình sẽ trồng lúa trên cả 3 ha đất.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Nói về định hướng phát triển mô hình "tôm - lúa" trên địa bàn, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng để nâng được tầm cho mô hình "tôm - lúa" thì cần tập trung xây dựng thương hiệu cho con tôm, hạt lúa. Thực tế, sau thời gian kiểm chứng về hiệu quả và tính bền vững, giờ đây, "tôm - lúa" đã trở thành mô hình canh tác chủ lực đối với nhà nông nhiều địa phương vùng ngọt "chưa khép kín" của tỉnh Cà Mau. Mô hình này được xem là lối canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với hạn - mặn và biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)