Ngày 21-6, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Bộ VH-TT-DL vừa đề xuất Chính phủ xem xét trích kinh phí khoảng 48 tỉ đồng nhằm khai quật tàu cổ tại vùng biển Dung Quất.
Chờ phê duyệt phương án
Trước đó, cuối tháng 7-2017, trong lúc thực hiện dự án nạo vét, thông luồng cảng biển Dung Quất (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn), đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Hào Hưng phát hiện một tàu cổ chiều dài từ 20-30 m. Trên thân tàu có nhiều gốm, sứ với nhiều kích cỡ và hoa văn khác nhau, có niên đại khoảng thế kỷ XV.
Hiện vật được lực lượng chức năng thu giữ tại khu vực tàu cổ bị đắm ở vùng biển Dung Quất
Ngay sau khi phát hiện, doanh nghiệp có văn bản báo cáo sự việc, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cắt cử lực lượng canh giữ 24/24 giờ, đồng thời chỉ đạo lập phương án khai quật khẩn cấp trước ngày 20-9-2017 để tránh mùa mưa bão, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công. Thế nhưng có mặt tại khu vực tàu cổ đắm, chúng tôi nhận thấy công việc khai quật vẫn chưa được tiến hành trong khi mỗi ngày có hàng chục người canh giữ.
Ông Nguyễn Minh Trí cho biết sở dĩ chậm tiến hành khai quật tàu cổ là do chờ phê duyệt phương án và nguồn kinh phí thực hiện. "Sau khi phát hiện tàu cổ, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng phương án khai quật khẩn cấp trình Bộ VH-TT-DL phê duyệt. Vì không đồng ý phương án khai quật khẩn cấp của UBND tỉnh Quảng Ngãi nên Bộ VH-TT-DL xây dựng lại phương án. Đến tháng 3-2018 vừa qua, Bộ VH-TT-DL phê duyệt phương án khai quật mới nhưng vì nguồn kinh phí thực hiện chưa có nên thời gian kéo dài. Vừa rồi Bộ VH-TT-DL trình phương án khai quật lên Chính phủ, trong đó đề xuất nguồn kinh phí khai quật khoảng 48 tỉ đồng... Khi nào Thủ tướng Chính phủ đồng ý, phương án mới được thực hiện" - ông Trí lý giải.
Sẽ khai quật trong tháng 7-2018?
Theo Bộ VH-TT-DL, ngoài đề xuất chi hơn 48 tỉ đồng trích từ ngân sách để khảo sát, lập phương án trục vớt tàu cổ đắm, bảo quản hiện vật, thời gian khai quật trong phương án cũng nói rõ sẽ được tiến hành từ tháng 7-2018 đến cuối năm 2019. Ngoài ra, trong số 48 tỉ đồng này, Bộ VH-TT-DL đề xuất chi 10 tỉ đồng để hỗ trợ lực lượng bảo vệ hiện trường từ khi phát hiện tàu đắm đến nay, cũng như quá trình khai quật sắp tới.
"Trong phương án trên, toàn bộ việc khai quật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện, tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị phối hợp. Còn về hiện vật sau khi khai quật, có thể Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ giữ những hiện vật độc bản, còn lại sẽ được lưu giữ tại địa phương" - ông Trí thông tin.
Không giải quyết sớm, thiệt hại lớn
Theo đại diện Công ty Hào Hưng, dự án nạo vét, thông luồng cảng biển Dung Quất có kế hoạch hoàn thành và đi vào khai thác trước tháng 9-2017. Thế nhưng vì phát hiện tàu cổ, trong khi chờ cơ quan chức năng khai quật, dự án phải tạm dừng. "Tính đến nay, công ty chúng tôi thiệt hại trên 20 tỉ đồng vì các máy móc, thiết bị lâu ngày bị hư hỏng, muốn làm lại phải cắt bỏ hoàn toàn…" - đại diện Công ty Hào Hưng nói.
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trước việc khai quật tàu cổ kéo dài, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều văn bản gửi Bộ VH-TT-DL, Văn phòng Chính phủ tổ chức các buổi làm việc liên quan để đẩy nhanh tiến độ. "Việc khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất đã kéo dài quá lâu, nếu không giải quyết sớm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và các bên liên quan. Do đó, để khẩn trương khai quật, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cần xác định cụ thể kế hoạch, tiến độ và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết các nội dung liên quan đến việc khai quật tàu cổ" - ông Căng nói.
Bình luận (0)