Chuyện trường lớp xuống cấp không chỉ xảy ra ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Ngay giữa thủ đô Hà Nội, hơn 1.500 học sinh, giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) cũng luôn sống trong sợ hãi khi phải dạy và học trong những căn phòng cũ kỹ, trần nhà có thể sụp xuống bất cứ lúc nào.
Bức xúc lắm mới rót tiền
Ngày 13-10, 2 mảng vữa lớn đã bất ngờ rơi xuống phòng học lớp 12A12 và 12A13 Trường THPT Trần Nhân Tông. Rất may hôm đó, các học sinh được nghỉ. Đến ngày 20-10, các mảng vữa lớn tiếp tục rơi ở lớp 10A13. Để bảo đảm an toàn, ban giám hiệu đã dời học sinh ở các phòng học này đến học tạm tại phòng hội đồng của trường.
Tường lớp học bong tróc rơi ngay trên ghế giáo viên ở Trường THPT Trần Nhân Tông
Theo thầy Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, trường đã xuống cấp từ năm 2010. Đến năm 2013, nhà trường cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tu bổ, xây dựng trường lớp rồi trình UBND TP. Trường đã nhiều lần đề nghị sở đẩy nhanh tiến độ tu sửa nhưng mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ và tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, phụ huynh bức xúc lên tiếng thì kinh phí sửa trường lớp mới được rót xuống.
Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống phòng học cho Trường THPT Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, đây là kinh phí của năm 2018 nên sớm nhất cũng phải đến quý I năm sau, việc thi công mới có thể tiến hành. Đến nay, các công việc liên quan như thiết kế, lập kế hoạch đầu tư đã hoàn thiện. Sau khi Sở Xây dựng thẩm định dự án, toàn bộ dãy nhà có phòng học vừa xảy ra sự cố sẽ được xây mới.
Mối đe dọa đã thành sự thật
Tình trạng trường lớp xuống cấp không chỉ là mối đe dọa nữa khi ngày 11-12 vừa qua, 16 học sinh Trường Tiểu học Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) phải nhập viện cấp cứu do sập lan can lớp học.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do các con tiện bê tông của lan can xuống cấp vì lâu ngày. Khi học sinh đùa nghịch, chạy dồn đến khu vực này thì lan can sụp đổ. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Văn Môn, Trường Tiểu học Văn Môn được xây dựng từ lâu và đã xuống cấp. Tại khu vực lan can vừa xảy ra vụ tai nạn, nhiều trụ bê tông đã nứt vỡ, lộ cả những thanh sắt hoen gỉ.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên… Nhiều địa phương và các sở GD-ĐT, các trường trên cả nước đã tích cực tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này.
Tuy nhiên, bà Nghĩa thừa nhận thời gian gần đây còn xảy ra nhiều vụ tai nạn trong trường học làm không ít học sinh, sinh viên bị thương, thậm chí tử vong, gây lo lắng, bất an cho gia đình và xã hội.
Ngoài những vụ việc do thiên tai, vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn mà nguyên nhân là vì cơ sở vật chất của nhà trường không bảo đảm an toàn, nhiều hạng mục công trình lâu năm xuống cấp nhưng không kịp thời rà soát, nâng cấp, tu sửa. Một số vụ tai nạn xảy ra do sự hiếu động, thích tò mò, khám phá của học sinh, trong khi thiếu sự kiểm soát của người lớn (ngã, bỏng, đuối nước...).
Rà soát toàn bộ cơ sở vật chất
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả những văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như bộ trưởng Bộ GD-ĐT về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước.
Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát, kiểm tra, thống kê toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị phục vụ việc dạy học; thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của học sinh, sinh viên (phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can...). Kịp thời có phương án hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa chữa, thay thế, khắc phục cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã cũ, quá hạn, có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Theo Bộ GD-ĐT, các trường, sở cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ động, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, lũ lụt nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại nhà trường và cơ sở giáo dục; xử lý, khắc phục, giải quyết khi có sự việc xảy ra và kịp thời báo cáo về Bộ GD-ĐT.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường, sở phải thường xuyên quán xuyến, nhắc nhở học sinh, sinh viên không chơi các trò chơi nguy hiểm; không nô đùa, chạy nhảy ở hành lang các tầng cao; không leo trèo tường rào, lan can... Ngoài ra, cần khuyến cáo các em tuyệt đối không được chơi đùa gần ao hồ, sông suối, kênh rạch, hố công trình - những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-12
Hà Nội: 40 trường cần cải tạo
Theo ông Nguyễn Thế Sơn, không chỉ Trường THPT Trần Nhân Tông, TP Hà Nội còn nhiều trường cũng xuống cấp, cứ mưa là ngập, dột. Những trường này đang chờ phê duyệt kinh phí cải tạo.
Từ nay đến năm 2020, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất kinh phí sửa chữa, nâng cấp 40 trường với các hạng mục như mái, cửa, bục, nhà vệ sinh chống mọt, chống thấm…
Ông Sơn cho rằng hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, sửa chữa cơ sở vật chất theo định kỳ, sau đó có văn bản đề xuất với sở. Sau khi nắm bắt tình hình, sở sẽ báo cáo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP để đấu thầu, phê duyệt đề án vì các công trình chủ yếu chờ nguồn vốn của TP.
Bình luận (0)