Sau gần 6 năm đưa lực lượng thanh tra xây dựng ở các quận - huyện, phường - xã - thị trấn sáp nhập về Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM thì cả Sở Xây dựng và địa phương có cùng nhận xét là còn nhiều bất cập. Đáng nói, việc sáp nhập này lại là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm xây dựng vẫn còn phức tạp.
Chỉ rõ những bất cập
Theo Sở Xây dựng TP, hiện biên chế lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng TP là 1.030 người, được bố trí tại 24 đội thanh tra địa bàn ở các quận - huyện. Điều này dẫn đến công tác nắm bắt tư tưởng, quản lý, giáo dục công chức chưa kịp thời và còn nhiều hạn chế. Các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy dẫn đến phải phê bình, kiểm điểm, thậm chí là kỷ luật buộc thôi việc xảy ra nhiều. Mặt khác, các đội thanh tra địa bàn chỉ thực hiện việc kiểm tra, giám sát sau cấp phép xây dựng chứ chưa thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định. Ngoài ra, công tác Đảng, đoàn thể, chính trị - xã hội tại các đội thanh tra địa bàn còn nhiều bất cập, hạn chế. "Dù tổ chức bộ máy của Thanh tra Sở Xây dựng đã thống nhất về mặt chính quyền nhưng các chi bộ và đoàn thể chính trị của đội thanh tra địa bàn vẫn sinh hoạt tại địa phương nên chưa tạo được sự đồng bộ, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành đối với thanh tra địa bàn" - lãnh đạo Sở Xây dựng chỉ rõ.
Do công tác kiểm tra, xử lý còn nhiều bất cập nên tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở TP HCM
Một lý do khác là tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại một số địa phương còn phức tạp, công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và quận - huyện còn hạn chế. Một số trường hợp quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa đội thanh tra địa bàn với UBND quận - huyện chưa thống nhất làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Điều đáng lo ngại là tỉ lệ chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính còn thấp.
Trước tình hình trên, Sở Xây dựng TP đã báo cáo UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trên cơ sở sáp nhập các đội thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và đội quản lý trật tự đô thị ở các quận - huyện. Lý giải về đề xuất này, lãnh đạo Sở Xây dựng TP cho rằng chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nên cần có một lực lượng chuyên môn giúp chính quyền các cấp làm công tác này. Khi thanh tra xây dựng chuyển về địa phương sẽ phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính.
Đang rất cần!
Nhiều lãnh đạo phường - xã cho rằng chỉ được phân bổ 1-2 công chức phụ trách địa chính - xây dựng nên thường xuyên quá tải do địa bàn rộng và các hình thức vi phạm trật tự xây dựng ngày càng gia tăng, thủ đoạn tinh vi.
Theo ông Trịnh Trọng Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), thực tế cho thấy hiện trạng công trình vi phạm có thể thay đổi chỉ một vài đêm, vì vậy với nhân sự phân bổ quá ít, địa phương không thể bao quát hết địa bàn rộng với khoảng 100.000 dân. Ngoài ra, theo phân cấp, phường có trách nhiệm kiểm tra, xử lý công trình không phép, còn thanh tra xây dựng xử lý công trình sai phép nhưng thanh tra xây dựng chỉ kiểm tra công trình rồi sau đó giao trách nhiệm xử phạt, tổ chức cưỡng chế về cho địa phương. Do đó, nếu có thêm lực lượng thanh tra xây dựng về quận - huyện, phối hợp với phường thì sẽ xử lý kịp thời các công trình vi phạm. Hơn nữa, việc này cũng gắn với công tác cải cách hành chính. Đó là công tác lãnh đạo giao về một mối, phân công trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân.
Ông Cao Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), cho hay nếu thanh tra xây dựng về quận thì việc điều động nhân sự sẽ nhanh và phù hợp với từng địa bàn hơn. Trong khi đó, chủ tịch một phường ở quận Tân Phú chia sẻ cấp phường đang rất trông chờ thanh tra xây dựng được chuyển về quận để "chia lửa" với phường nhằm chấn chỉnh các công trình xây dựng không phép, sai phép. Vị này lý giải khi được giao trách nhiệm quản lý một địa bàn cụ thể thì cán bộ phụ trách không dám lơ là, qua đó kéo giảm tình trạng xây dựng không phép, sai phép.
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương khẳng định địa bàn phường nhiều việc nên cán bộ không "phủ" hết được. Khi thanh tra xây dựng chuyển về quận thì sẽ không phân biệt công trình sai phép hay không phép nữa mà sẽ hoàn toàn chủ động kiểm tra các công trình xây dựng. Nếu có sai phạm, quận ra quyết định xử phạt và theo dõi. Như thế sẽ nhất quán và việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực xây dựng sẽ hiệu quả hơn.
Phải tinh giản biên chế khi sáp nhập
Luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cho rằng sự sáp nhập giữa các đội thanh tra địa bàn (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng TP) về các đội quản lý trật tự đô thị ở các quận - huyện là cần thiết để bớt đầu mối, tăng hiệu quả quản lý. Thực tế cho thấy chức năng kiểm tra của 2 đơn vị này là tương đồng, chỉ có sự khác biệt trong việc xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng, một bên là sai phép, một bên là không phép. Tuy nhiên, dù sai phép hay không phép thì đều là hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên cùng một địa bàn và phải được xử lý để bảo đảm kỷ cương. Do vậy, việc sáp nhập cần thực hiện sớm để thống nhất trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng, tránh tình trạng "giẫm chân" nhau.
Luật sư Thư góp ý việc sáp nhập phải gắn với cải cách hành chính và tinh giản biên chế chứ không chỉ dừng lại ở việc cộng dồn 2 đơn vị này một cách đơn thuần. Số lượng cán bộ phải được giảm xuống còn trình độ chuyên môn phải được tăng lên thì mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ về tinh giản biên chế.
Bình luận (0)