Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình lên Chính phủ lần thứ 5 đã nói lên tính phức tạp này. Hai mục tiêu xuyên suốt các lần dự thảo là bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, góp phần đem lại hiệu quả và lợi ích tối đa cho người dân trong lĩnh vực GTVT.
Rất nhiều nội dung trong dự thảo gần nhất (ngày 30-7) được doanh nghiệp, người dân và giới chuyên gia đánh giá cao. Thế nhưng, vẫn còn một số vấn đề có nhiều ý kiến chưa thống nhất, như việc thêm chức năng nhận dạng hình ảnh tài xế trong hệ thống thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Việc này dẫn đến phải thay thế 340.000 hộp đen đã lắp (số liệu của Bộ GTVT, thật ra con số này còn cao hơn nhiều). Lộ trình lắp đặt thay thế kéo dài đến 5 năm với chi phí hàng ngàn tỉ đồng, chưa kể lãng phí thiết bị cũ.
Hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ 2008, điều 14 của Nghị định 86 đã quy định việc lắp đặt hộp đen. Theo lộ trình, đến ngày 1-7-2018, các phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đã hoàn tất việc lắp đặt và sử dụng trên cả nước. Về khung kỹ thuật, Bộ GTVT đã có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 31:2014/BGTVT về thiết bị giám sát hành trình của ôtô.
Những năm đầu khi triển khai thực hiện chủ trương này, dư luận khá đồng tình ủng hộ. Trên thế giới, sử dụng khai thác hộp đen, ban đầu là phân tích xử lý nguyên nhân tai nạn, quản lý rủi ro và bây giờ là quản lý hiệu quả hiện đại theo thời gian thực nhờ các ứng dụng GPS, GPRS, GSM… Ngành GTVT Việt Nam lại còn tình trạng xe dù bến cóc, nhũng nhiễu của CSGT... Vì vậy, vai trò của thiết bị giám sát hành trình rất quan trọng và hiệu quả.
Rất tiếc, ngành GTVT đưa ra giải pháp công nghệ 4.0 nhưng thực tế chỉ áp dụng ở mức độ 2.0, nặng tư duy quản lý hình thức và không phát huy hiệu quả đúng nghĩa của hộp đen. Số liệu trong hộp đen truyền về Tổng cục Đường bộ và sau đó cả tháng mới đưa về các sở GTVT để xử lý gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp, chủ xe hay tài xế. Chỉ cần chuẩn chung, phần mềm chung, kết nối thêm một vài công nghệ hay thiết bị, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều có thể kiểm soát việc di chuyển của xe và tất cả con người trên xe bất cứ thời gian nào, ở đâu.
Tóm lại, không cần thay thế thiết bị khi có nghị định mới thay thế Nghị định 86 mà chỉ cần nghiên cứu phát huy sử dụng hiệu quả công nghệ thiết bị giám sát hành trình đang lắp đặt và thay đổi hình thức quản lý.
Thật ra, an toàn giao thông hay lập lại trật tự kỷ cương trong ngành GTVT không chỉ có các thiết bị giám sát bên trong mà còn cần sự giám sát bên ngoài, đó là con người. Vì xét cho cùng, con người vẫn là yếu tố quan trọng, từ tài xế, chủ doanh nghiệp đến những người có chức trách thi hành công vụ như CSGT hay những người ra quyết sách.
Bình luận (0)