Ấy là sự lạ. Lạ là vì theo truyền thống Việt Nam, danh xưng "Thầy" chỉ dành cho thầy dạy học và thầy thuốc, cùng tại một ít nơi con cái gọi cha là "Thầy" theo tập tục. Nhưng lạ mà quen bởi lẽ theo thời gian, tiếng "Thầy" đã được gọi rộng ra nhiều lĩnh vực, ngành nghề, cũng bằng sự tôn kính và hàm ân. Riêng cụ thể trường hợp tuyển trạch viên bóng đá họ Park người Hàn, nhiều lứa cầu thủ bóng đá Việt Nam mặc nhiên đã gọi ông là "Thầy"; còn những người không trực tiếp thọ giáo ông, công việc có khi chẳng liên quan bóng đá, mà vẫn gọi ông là "Thầy", rất tự nhiên, bởi vì quý trọng ông. Người Thầy ấy, qua một năm cầm quân đã không chỉ dạy cho các học trò bóng đá xứ Việt những kỹ năng trên sân cỏ và tư duy chiến thuật mà còn dạy họ biết sống yêu thương, hòa ái, thượng võ, đoàn kết; thổi bùng cháy lên ngọn lửa nhiệt huyết tuổi trẻ về ý chí phấn đấu và sự cống hiến. Vậy, ông Park không chỉ là người Thầy thể thao mà còn là người cha tinh thần của các cầu thủ trẻ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Khát vọng chiến thắng là một phần của tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc. Khơi dậy và duy trì khát vọng ấy trong thể thao không phải dễ, nhất là trong một thời gian dài bóng đá Việt Nam chỉ quẩn quanh "ao làng" khu vực với thành tích khiêm nhường. Park Hang-seo đã đến và làm thay đổi, chứng minh tài năng bằng chức á quân U23 châu Á 2017, hạng tư ASIAD 2018 và trước mắt, rất gần, là chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018. Chưa bao giờ niềm tin chiến thắng của bóng đá Việt lớn lao bằng lúc này. Chẳng hề là niềm tin trong chốc lát mà thực tế đã được vun đắp từ nhiều nền tảng vững chắc bởi tổng công trình sư Park Hang-seo. Niềm tin từ bóng đá lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác, tạo nên sự lạc quan chung trong xã hội. Đây chính là một nguồn lực sức mạnh rất đáng quý. Góp công rất lớn để làm được điều này, ông Park Hang-seo quá xứng đáng để bất kỳ ai trong chúng ta gọi bằng "Thầy"!
Nước bạn Hàn Quốc cũng vừa công bố 10 công dân được tôn vinh vì có công xây dựng, quảng bá hình ảnh tích cực của quốc gia, trong đó có ông Park Hang-seo, cụ thể là qua thành tích huấn luyện cho bóng đá Việt Nam, được người Việt yêu quý. Sự kiện này khẳng định mạnh mẽ hơn nữa đóng góp của cá nhân ông Park, được không riêng người Việt thừa nhận mà chính người dân quê nhà của ông cũng đánh giá cao.
Ai trong đời cũng có một người Thầy. Khổng Tử viết trong Luận Ngữ: "Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư", tạm hiểu trong ba người cùng đi, ắt hẳn có người là thầy của mình; suy rộng ra người ấy là người biết nhiều hơn mình, có lời khuyên tốt cho mình, mình có thể học được từ họ. Giờ đây, ông Park Hang-seo được nhiều người gọi là "Thầy", được chúng ta xem như "Thầy" là cũng từ những gì ông đã làm được, đã cống hiến. Và hơn thế nữa, ông và các học trò luôn được chờ đợi mỗi khi ra sân, luôn được chờ đón mỗi khi trở về. Mỗi lần như thế là thêm tin yêu, thêm động lực.
Đó chính là người Thầy trong trái tim!
Bình luận (0)