Việc đầu tiên chuẩn bị một hành trình dài trên biển cho mỗi tàu cá tại bến cảng là treo lại cờ Tổ quốc lên nóc tàu. Với thuyền trưởng Trần Khắc Thạch (tàu cá KH-99766-TS mà chúng tôi đi theo), việc gì có thể quên nhưng treo cờ trước khi xuất bến là không thể. Và thường tự tay anh làm điều đó.
Buổi chào cờ đặc biệt
Chuyến biển này, sau khi treo lại lá cờ của lèo (chuyến biển) trước, anh Thạch còn trang trọng đem theo một chiếc hộp nhỏ. Chúng tôi đoán bên trong là một vật thiêng theo tín ngưỡng của ngư dân nhưng không dám hỏi vì ngại.
Sáng sớm ngày thứ 6 của hành trình, anh Thạch lệnh cho các thuyền viên cất câu sớm hơn mọi khi. Các bạn thuyền không ai bảo ai, mỗi người vào bên trong khoang tàu thay bộ quần áo duy nhất còn mới mà họ mang theo. Lúc này, anh Thạch mới mở chiếc hộp nhỏ đem theo. Một lá cờ đỏ sao vàng mới toanh. "Hôm nay là ngày 30-4. Anh em trong nghiệp đoàn đã thống nhất rồi, cứ đến ngày kỷ niệm đất nước thống nhất hay Quốc khánh 2-9, đang đi biển cũng phải dừng lại trên biển để chào cờ. Phải thay lá cờ mới để buổi chào cờ trang nghiêm" - anh Thạch giải thích.
Chúng tôi không nhớ mình đã dự bao nhiêu buổi chào cờ nhưng đây là buổi chào cờ đặc biệt nhất trong đời. Một buổi chào cờ chỉ có vỏn vẹn 8 người trên con tàu cá 450 mã lực, giữa muôn trùng sóng vỗ. "Nhìn cờ, chào". Thuyền trưởng Thạch hô vang, Quốc ca trỗi lên từ chiếc máy cassette cũ. Chúng tôi thấy tim mình như căng ra. Thiêng liêng và tự hào quá đỗi. Dường như có tiếng gửi gắm của lớp lớp người đi trước, rằng biển này đã được bảo vệ bằng máu của triệu triệu người dân Việt, rằng 1 tấc biển cũng không thể để bị lấn chiếm.
Buổi chào cờ kết thúc, chúng tôi vẫn bần thần mãi trên boong tàu. Thấy vậy, máy trưởng Đỗ Văn Ủy bước đến vỗ vai chúng tôi rồi đưa tay về phía trước, hỏi: "Có thấy gì không?". "Có, một lá cờ nổi trên mặt biển" - chúng tôi trả lời. Anh Ủy giải thích trong điều kiện sóng gió như thế này, nếu nhìn ngang trên mặt biển sẽ không thấy được con tàu cá khi còn ở xa. Nhưng nhờ treo cờ ở chóp tàu, màu cờ đỏ lại nổi bật trên nền biển xanh nên mới dễ nhận thấy. "Cứ thấy cờ đỏ sao vàng là biết có tàu mình. Những lúc nguy nan trên biển, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc như thấy vị cứu tinh, vì biết mình được cứu" - anh Ủy nói.
Cờ Tổ quốc tung bay giữa trùng khơi. Ảnh: HOÀNG THANH
Món quà thiêng liêng
Theo cha đi biển từ năm 13 tuổi, nay tóc đã có sợi bạc nhưng cứ mỗi lần ra khơi, điều đầu tiên thuyền trưởng tàu cá PY-90144-TS Lương Công Xuyên (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) làm là treo lại cờ. Có lần sắm chuyến biển hết sạch tiền, bước lên tàu, nhìn lá cờ đã bạc màu, ông bảo vợ chạy về mượn hàng xóm 60.000 đồng để mua cho được lá cờ mới. "Cờ đỏ sao vàng treo trên tàu thể hiện sự hiện diện của chúng tôi trên vùng biển Việt Nam mình" - ông Xuyên nói.
Ông Xuyên cũng là người đã 2 lần bỏ dở chuyến biển để cứu các ngư dân Philippines bị nạn. Ông kể ngày 23-1-2013, ông cứu 4 ngư dân Philippines bị kiệt sức vì trôi trên biển nhiều ngày. Khi được đưa lên tàu cá để chăm sóc, thuyền trưởng của con tàu gặp nạn tên Fancisco M. Romillo cứ lặng nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng rồi lại nhìn ông Xuyên với sự ngưỡng mộ. Ông ra hiệu rằng không chỉ tàu ông, mỗi con tàu cá Việt Nam ra khơi dù lớn hay nhỏ đều như vậy.
Không còn sức để vươn khơi nhưng ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - vẫn ngày ngày theo dõi mọi hoạt động khai thác hải sản của các thuyền viên trong nghiệp đoàn mình. "Trung bình sau 2 lèo, mỗi lèo 25 ngày, về là phải thay cờ mới. Vì vậy, chương trình "Một triệu lá cờ cùng ngư dân bám biển" là món quà thiêng liêng đối với chúng tôi" - ông Thuẫn nói.
Còn với ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đây là một chương trình rất ý nghĩa, đặc biệt với một tỉnh như Phú Yên, lấy kinh tế biển làm mũi nhọn phát triển kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Giữ cờ như giữ con ngươi trong mắt
Ngư dân chỉ treo cờ lên khi sắp xuất bến. Mỗi chuyến biển về, họ lại vội vã xếp cờ vì sợ gió, nắng làm nhanh phai màu. Thuyền trưởng tàu cá KH-90347-TS Trần Văn Hiếu (Hiếu Hero, nhiều lần cưỡi sóng lớn để tìm kiếm, cứu ngư dân gặp nạn) thì bảo rằng ông từng chứng kiến nhiều hình ảnh cảm động trong việc giữ gìn lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. "Lần đó, khi đưa các thuyền viên gặp nạn qua tàu chúng tôi thì con tàu bị nạn bắt đầu chìm dần. Bất ngờ, tôi thấy một thuyền viên vừa được đưa lên tàu lại lao xuống nước bơi về phía con tàu đang chìm để tháo lá cờ mang về. Với ngư dân, giữ cờ như giữ con ngươi mắt mình vậy" - ông Hiếu kể.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-5
Bình luận (0)