Đường dây này có sự tham gia của á hậu, người mẫu, diễn viên, người dẫn chương trình có danh phận nên cao giá, thậm chí gây rúng động.
Thực tế, những vụ như thế này không mới, năm nào công an cũng triệt phá một vài vụ. Điều này cho thấy hoạt động mua bán dâm dù bị cấm song vẫn tồn tại như một dòng chảy ngầm giữa đời thường. Dòng chảy này không thể dừng lại bởi nó thuận theo quy luật tự nhiên, theo quy luật có cầu - có cung.
Đi ngược lại quy luật là điều bất khả. Vì thế, mua bán dâm - được xem là tệ nạn - không bao giờ dẹp được. Ngay cả khi được luật hóa cũng chỉ đủ thẩm quyền xử lý hành chính hành vi mua dâm và bán dâm (theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người mua dâm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 10 triệu đồng; người bán dâm bị phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng). Chế tài mạnh hơn một chút, theo Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người mua dâm nếu người đó nhiễm HIV mà cố tình lây cho người khác hoặc mua dâm người vị thành niên. Cao nhất là Bộ luật Hình sự song cũng chỉ hình sự hóa hành vi môi giới mại dâm hoặc tổ chức mại dâm.
Những tồn tại kể trên trong pháp luật Việt Nam hiện hành có thể xem là kẽ hở, phần nào giải thích vì sao hiệu quả của hoạt động phòng chống mại dâm còn thấp. Một khi người mua dâm không bị bêu tên, cùng lắm là bị phạt tiền và người bán dâm cũng chỉ bị phạt tiền và đưa đi giáo dục (một số trường hợp bắt buộc) thì hoàn toàn không đủ sức răn đe.
Trong lúc quy định pháp luật đang như vậy, cần phải xét đến yếu tố công bằng và nhân văn, nhất là đối với nữ giới. Tại sao trong hầu hết các đường dây bán dâm bị bóc gỡ chỉ có bên bán bị bêu tên, kể cả hình ảnh; còn bên mua thì không? Có cầu mới có cung chứ? Như vậy là bất bình đẳng, nói đúng hơn là vi phạm pháp luật về quyền nhân thân đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và trong Hiến pháp.
Động cơ mua dâm chủ yếu là từ nhu cầu sinh lý còn bán dâm chủ yếu là vì tiền. Người ta cần tiền thường rơi vào hai trường hợp: hoặc muốn xuê xoa ăn diện, đua đòi và giàu nhanh trong khi biếng làm hoặc không có kiến thức lẫn kỹ năng để làm việc, kiếm tiền; hoặc có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền để trang trải. Khi dính vào rồi thì bị lún sâu, có người chuyển qua môi giới - hành vi bị hình sự hóa. Thực tế cho thấy nhiều bị cáo khi ra tòa khai rất éo le rằng do cần tiền để nuôi con ăn học hay mẹ già tật bệnh, lỡ rồi bị cuốn vào luôn.
Nhưng nói gì thì nói, không dễ cảm thông với việc kiếm tiền bằng "vốn tự có", nhất là với những cô gái mượn mác tiếng tăm của người mẫu, hoa khôi, á hậu… để bán thân được cao giá. Điều này phần nào sỉ nhục những người hoạt động nghệ thuật chân chính, lành mạnh.
Cũng từ đây, một lần nữa các cơ quan hữu trách phải chấn chỉnh lại các cuộc thi nhan sắc đang rộ như nấm sau mưa và các nhà lập pháp cần đánh giá lại việc có nên công nhận mại dâm là một nghề.
Bình luận (0)