Ngày 26-11, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, cho biết mưa lớn khiến hàng loạt xã ở phía nam TP ngập nặng, nhiều tuyến đường, khu dân cư ngập sâu 0,8-1m. Cầu Nước Ngọt dẫn vào khu dân cư Bình Lập, Bình Tiên (xã Cam Lập, TP Cam Ranh) bị sập hoàn toàn.
Khoảng 300 hộ dân sống ở khu vực bán đảo này không thể vào đất liền. Nhiều du khách ở khu du lịch Sao Biển, resort Ngọc Sương không thể trở về.
Cầu sập chia cắt bán đảo Bình Lập - ảnh: Tri Nguyễn
Cầu ở thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập bị sập
Cầu nối bán đảo Bình Lập, Bình Tiên
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thuấn, một người dân sống ở đây, cho biết hiện trời vẫn mưa lớn, sóng biển rất to. Đây là hôm thứ 3 cả khu vực này mất điện. "Chúng tôi đi kiểm tra thì thấy 3 trụ điện bị ngã sập. Đường đi cũng bị sập, cầu sập không thể ra bên ngoài. Đường trong thôn xóm nhiều đoạn cũng ngập nặng, người dân phải kê bàn ghế để ngủ. Gần 30 năm nay tôi chưa từng thấy đợt nào ngập nặng như vậy. Đặc biết sóng dừng đập vào bờ mạnh và khủng khiếp"- ông Thuấn nói.
Khu dân cư ngập nặng
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để khắc phục sự cố sập cầu, chia cắt đất liền, TP sẽ chỉ đạo đơn vị thi công làm cầu tạm cho người dân. Trước mắt, việc tiếp tế lương thực sẽ thực hiện bằng đường thủy.
Người dân bị cô lập ở bán đảo Bình Lập, Bình Tiên (xã Cam Lập, TP Cam Ranh)
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, do ảnh hưởng bão số 9, toàn tỉnh có mưa lớn. Hiện có 4 hộ dân ở thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh bị sạt lở nguy cơ đổ sập; hàng loạt tuyến đường hư hỏng nặng.
Tại tỉnh Lâm Đồng, do ảnh hưởng cơn bão số 9, nước lũ thượng nguồn sông Đa Nhim dâng cao đổ về nhấn chìm một cầu dân sinh và hàng chục ha rau màu ở vùng trồng rau thuộc huyện Đơn Dương bị ngập sâu, thiệt hại nặng nề. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết theo báo cáo nhanh của các xã trên địa bàn huyện, tính đến trưa 26-11 đã có hơn 70ha rau màu, lúa bị ngập úng.
Hàng trăm hộ dân bất lực nhìn hàng chục ha rau màu vụ Tết năm nay bị ngập sâu trong nước lũ.
Cụ thể, nước dâng cao dọc hai bờ sông Đa Nhim khiến các xã Lạc Xuân, Tu Tra, Pró... của huyện Đơn Dương bị ngập sâu. Trong khi đó, cầu ông Thiều, thôn Suối Thông B (xã Tu Tra) nước dâng cao ngập quá mặt cầu gần 1m không thể đi lại khiến học sinh đi học phải đi đường xa hơn để đến trường. Lực lượng chức năng xã Tu Tra túc trực, gắn biển cấm người dân lưu thông qua cầu.
Nhiều cây trồng bị ảnh hưởng thiệt hại nặng.
Cũng do mưa lớn nên tại đèo Hòn Giao (hay còn gọi là đèo Khánh Lê giáp danh giữa Đà Lạt - Lâm Đồng và Khánh Hòa) bị sạt lở, các phương tiện không thể lưu thông.
Hiện tại, các phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 27C từ Nha Trang đi Đà Lạt và ngược lại đề nghị không lưu thông qua đèo Khánh Lê cho đến khi lực lượng chức năng có thông báo mới.
Tại tỉnh Ninh Thuận, đến trưa nay (26-11), hàng chục khu dân cư vẫn còn chìm trong biển nước; nhiều tuyến tỉnh lộ, đường liên xã tiếp tục bị nước lũ tràn ngập, gây sạt lở, ách tắc giao thông nghiêm trọng, hàng ngàn ha lúa, hoa màu chìm trong nước; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết cuốn trôi. Thiệt hại ước tính ban đầu rất nặng nề.
Rất nhiều khu dân cư ở TP Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Thuận Nam, Ninh Phước chìm trong biển nước
Theo báo cáo ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, hiện có hàng chục km các đường tỉnh lộ 27, 27B, 701, 702, 706, 710, 717 bị đứt gãy, sạt ta luy nghiêm trọng, gây đình trệ giao thông ở các xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), Phước Dinh, Phước Nam (huyện Thuận Nam), An Hải, Phước Hải (huyện Ninh Phước), Ma Nới, Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn)… Ít nhất gần 7km đường liên xã, liên thôn bị xói lở nặng nề, xe cộ không thể qua lại, làm cô lập một số thôn của các huyện Ninh Hải, Ninh Phước…
Báo cáo nhanh của chính quyền các huyện, thành phố cho biết đã có 4 căn nhà bị sập, sạt vách; gần 800 căn nhà bị nhập sâu; trên 4.200 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị chìm trong nước; hơn 5.100 con gia súc, gia cầm bị chết do nước lũ cuốn trôi; 1 cây cầu liên xã bị sụp mố, gãy nhịp không thể lưu thông. Nước lũ cũng cuốn trôi nhiều vật tư, trang thiết bị tại công trình thi công đập hạ lưu Sông Dinh. Ước tính thiệt hại do lũ gây ra trong toàn tỉnh Ninh Thuận không dưới 60 tỉ đồng.
Bình luận (0)