Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết ngày 17-10, mưa lũ đã làm 3 người chết (Nghệ An: 2, Hòa Bình: 1) và 1 người ở Quảng Trị mất tích. Trong khi đó, theo báo cáo từ Thừa Thiên - Huế, tỉnh này cũng ghi nhận 2 người mất tích.
Quốc lộ 1 qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập. Ảnh: QUANG TÁM
Đồng loạt xả lũ
Mưa lớn kéo dài từ đêm 16 đến ngày 17-10 khiến các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế phải điều tiết xả về hạ du với lưu lượng lớn. Trong đó, thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ xả 2.200-2.600 m3/giây; hồ Tả Trạch 300-400 m3/giây.
Người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải “đi xuồng trên bộ” do ngập sâu. Ảnh: QUANG TÁM
Một số xã thấp trũng của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị ngập lụt, người dân đi lại bằng ghe thuyền. Ở TP Huế và huyện Phong Điền, các tuyến đường ngập đến 0,3 m. Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc ngập cục bộ, xe cộ chết máy nhiều. Mưa lũ cũng khiến 2 vợ chồng ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà mất tích khi đi đánh cá trên sông Bồ.
Tại Quảng Nam, lượng nước đổ về hồ thủy điện lớn buộc hàng loạt thủy điện như Đăk Mi 4, Sông Bung 4, A Vương phải xả lũ xuống hạ du. Trong ngày, có thời điểm 3 thủy điện trên xả xuống sông Vu Gia với lưu lượng hơn 5.000 m3/giây. Nhiều xã thấp trũng tại các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Duy Xuyên... đã bị ngập nặng. Chiều cùng ngày, mưa giảm hẳn, thủy điện cũng giảm mức xả lũ nên nước rút dần.
Tại Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã quyết định điều chỉnh xả nước hồ Kẻ Gỗ từ 5 giờ thay vì từ 9 giờ ngày 17-10 như kế hoạch. Việc hồ Kẻ Gỗ xả tràn và mưa lớn đã khiến nhiều khu dân cư và hệ thống đường giao thông một số xã như Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, Cẩm Duệ... ngập cục bộ.
Lốc xoáy khiến hàng chục nhà dân ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng. Ảnh: TỬ TRỰC
Di dời khẩn cấp người dân
Nhiều tuyến đường ở miền Trung, Tây Nguyên bị ngập, sạt lở; nhiều sông ở khu vực này đã vượt báo động 3. Khoảng 705 hộ dân tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk phải đi sơ tán.
Một số làng ven sông Gianh của thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã bị ngập chiều 17-10. Nhiều bản làng ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch bị chia cắt. 27 điểm ngầm tràn, điểm chảy tràn bị ngập và được đặt biển cảnh báo, chốt chặn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, QL15, QL9B, Tỉnh lộ 559B sạt lở, ngập úng gây ách tắc giao thông. Hơn 18.000 hộ với gần 66.000 người cần di dời xen ghép và tập trung; 501 hộ với 1.903 người cần di dời khẩn cấp để tránh sạt lở đất.
Mực nước trên các sông, suối tại các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị dâng cao, nhiều thôn, xã chịu cảnh cô lập cục bộ. Anh H.V.D (21 tuổi, ngụ huyện Hướng Hóa) khi lội qua tràn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông đã bị nước cuốn mất tích từ tối 16-10, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Trong khi đó, tàu vận tải Glory Futire chở 20 thuyền viên (8 người Trung Quốc, 12 người Việt Nam) mắc cạn tại bờ Nam cảng Cửa Việt, cách bờ khoảng 2 km.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều sông đang ở mức báo động 2, vượt báo động 2. Một số huyện miền núi như Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng của tỉnh đã xuất hiện lũ ống, lũ quét, nhiều điểm sạt lở khá nghiêm trọng. Rạng sáng 17-10, trận lốc xoáy với cường độ khá mạnh đã quét qua 5 xã của huyện Bình Sơn khiến 73 ngôi nhà bị tốc mái.
Tại Đắk Lắk, mưa lớn đã khiến 151 căn nhà ở huyện Ea H’leo, huyện Ea Súp bị ngập, 124 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Toàn xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp đã bị chia cắt hoàn toàn...
Triển khai "4 tại chỗ"
Ngày 17-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ", tập trung sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại những khu vực không bảo đảm an toàn, đồng thời bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân đói rét.
Ngày 18-10, khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế được dự báo có mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai...
Bình luận (0)