Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết tính đến ngày 31-8, mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 3 người chết, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hư hỏng nặng. Đặc biệt, giao thông bị ách tắc nghiêm trọng.
Tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, mưa lũ gây thiệt hại khoảng 200 ha hoa màu; 6 ha nuôi cá bị cuốn trôi; 3 trường học bị ngập. 160 hộ dân ở các xã: Tà Hộc, Nà Bó, Mường Bằng, Phiêng Pằn, Chiềng Chăn, thị trấn Hát Lót, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi, Nà Ớt… phải di chuyển khẩn cấp đến vị trí an toàn. Tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La, mưa lũ làm ảnh hưởng đến 112 hộ dân, trong đó 95 nhà dân xã Mường Bú bị ngập, 3 nhà ở xã Chiềng Hoa bị cuốn trôi.
Tại tỉnh Điện Biên, tính đến chiều 31-8, có 73 nhà dân bị thiệt hại, gần 300 ha diện tích nông nghiệp, thủy sản bị vùi lấp, hư hỏng; 14 điểm trường bị ngập; 6 công trình thủy lợi cùng hàng trăm mét kênh bị đứt gãy, sạt lở; nhiều công trình nhà nước về y tế, trụ sở làm việc của xã cũng bị sạt lở, ngập sâu. Thiệt hại ước tính hơn 120 tỉ đồng.
Do mưa lớn nhiều ngày qua, cộng với việc 2 thủy điện Trung Sơn và Bá Thước 2 xả lũ, hàng ngàn hộ dân phía hạ lưu các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Yên Định, Thạch Thành, Vĩnh Lộc… của tỉnh Thanh Hóa bị ngập chìm trong nước. Riêng huyện Quan Hóa, mưa lũ đã khiến 3 cầu treo bị sập; 192 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 11 ngôi nhà bán kiên cố bị sập, 105 nhà bị ngập, sạt lở đất. Mưa lũ cũng làm cho Trường Tiểu học xã Trung Sơn và Trường THCS xã Trung Thành bị sập một phần, gần 300 học sinh tại những điểm trường này sẽ không có lớp để học trong năm học mới.
Đàn heo bị nước lũ cuốn được người dân huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa vớt lênẢnh: Tuấn Minh
Theo ghi nhận của phóng viên, đến chiều 31-8, nước sông Mã và sông Bưởi lên cao cũng khiến hàng ngàn hộ dân ở Vĩnh Lộc, Yên Định, Thạch Thành, Cẩm Thủy của tỉnh Thanh Hóa… bị ngập sâu. Nhiều địa phương phải di dời hàng trăm hộ dân. Trong đó, huyện Yên Định đã sơ tán 1.339 hộ; TP Thanh Hóa di dời 827 hộ dân ở vùng ngoại đê đến nơi an toàn. Tại huyện Cẩm Thủy, nước lũ cũng nhấn chìm một trang trại heo hơn 1.100 con. Hơn 100 người dân địa phương đã hợp sức cứu heo bị nước cuốn trôi.
Còn tại tỉnh Nghệ An, do nước lũ từ Lào đổ về nên nhiều nhà dân ở huyện Kỳ Sơn bị cô lập. Tại huyện Tương Dương, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với thủy điện Bản Vẽ xả lũ khiến nhiều nhà dân bị nước cuốn trôi, nhiều bản làng bị chia cắt hoàn toàn. Cùng với thủy điện Bản Vẽ, Nhà máy Thủy điện Khe Bố ở Tương Dương cũng tăng lưu lượng xả lũ lên 4.500 m3/giây làm cho các huyện Con Cuông, Anh Sơn... ngập sâu.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, ngày 31-8, Thủ tướng đã ký công điện chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó. Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm; triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động.
Tại khu vực ĐBSCL, nước lũ đang lên nhanh, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, tràn, vỡ đê bao, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chủ động hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam và các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin để dự báo sát diễn biến lũ ở ĐBSCL, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan, địa phương để phục vụ ứng phó hiệu quả. Các tỉnh, thành ĐBSCL chủ động chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp phòng chống lũ để bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sản xuất cho người dân.
Bình luận (0)