5 giờ sáng, tôi theo đội quân đi lấy măng ở buôn Choah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), chuẩn bị cơm đùm, cơm nắm để sẵn trong gùi cùng một chiếc bao tời, bầu nước rồi nhắm hướng núi Nâm Nung mà đi.
Thành đặc sản lúc nào không hay
Hành trang không thể thiếu của những người đi lấy măng là một chiếc rìu sắc lẻm dùng để đào măng nhưng khi cần thiết cũng có thể dùng phát dọn gai góc, chặt cành, tìm đường vào những rặng le đan nhau dày đặc.
Những cánh rừng le trên dãy Nâm Nung là nơi đội quân đi lấy măng "quần đi, đảo lại" không sót bụi nào. Sau những cơn mưa rừng, búp măng le đội đất nhú lên như đợi như chờ tay người đến thu hái. Nhưng chỉ cần một tuần không có người ghé ngang, những búp măng đã lên non xanh mơn mởn. Bấy giờ, người đi lấy măng phải tách những chiếc bẹ, cắt bỏ những đoạn xơ cứng, lấy đoạn non, mềm được thử bằng những cái bấm tay chi chít trên thân măng.
Măng le hái từ rừng ra đã có nhiều người chờ sẵn để thu mua
Già làng Điểu Mốc (85 tuổi, nhà ở buôn Choah) là một trong những người đến vùng đất này khi nơi đây còn là núi thẳm, rừng sâu. Ông nói ngày xưa măng le nhiều lắm, đồng bào chỉ lấy một ít làm rau, còn thì coi như đồ bỏ. Ở Tây Nguyên, măng có rất nhiều loại như tre, lồ ô, nứa, vầu… nhưng ngon nhất có lẽ là măng le, mọc trên đất đỏ bazan.
Già làng Điểu Mốc bất chợt hỏi tôi: "Cô có nghe cái bài hát gì mà hết rau rừng, anh có lấy măng không? Đấy. Đấy. Măng le còn thua cả rau rừng. Măng không ai lấy để mọc thành cây le thôi mà. Măng mọc sát nhà. Sau này, nhiều người Kinh ở dưới xuôi lên đây lập nghiệp, thấy măng le rừng Krông Nô ngon, muối chua không để được lâu, để tươi thì ăn không hết, dễ hư. Vậy là họ bẻ măng về luộc, phơi khô để ăn dần, rồi gửi về đồng bằng làm quà cho bà con quê nhà".
Rồi già làng nói tiếp: "Ngày Tết dư thịt thà, mang măng ra kho cùng thịt cho đỡ ngán. Ngờ đâu măng thịt hòa quyện cùng nhau thấm qua từng thớ lưỡi, trở nên dễ ăn mà bắt cơm hơn. Người ta gọi chệch măng thành may, là may mắn đó, nên đầu năm mới, nhà ai cũng cố có được một nồi măng hầm thịt dùng ba ngày Tết. Dần dà, măng le trở thành đặc sản lúc nào không hay".
Măng le ngon nhất là khi nhú lên khỏi đất từ 20 - 30 cm, còn gọi là măng búp, đặc ruột, tươi non và ngọt nhất, chất lượng nhất so với các loại măng cắt khúc lấy từ những mụt măng đã lên cao hay măng mọc bên nách cây le.
Như có lực hấp dẫn
Nhóm chúng tôi tập trung đồ đạc vào một nơi, cả những chiếc xe máy đã cũ mèm chuyên dùng cho việc đi nương rẫy, lên rừng.
Những chiếc xe máy này có vứt bất cứ nơi nào trong rừng thì vẫn yên đó, cứ như không ai để mắt tới. Rồi từ đây, chúng tôi mỗi người cầm một chiếc bao tời, bắt đầu vạch cụm le chui vào. Búp măng nào còn ở dưới đất thì lấy dao đào. Búp nào đã mọc lên cao thì bẻ ngọn non, khúc già bỏ đi.
Tôi dù đã được bảo vệ bằng bộ đồ bảo hộ lao động dày cộp trùm kín từ đầu đến chân, thêm gói thuốc rê chà lên những khoảng da thịt còn hở ra như tay, mặt nhưng bầy muỗi đói nghe hơi người vẫn xông ra đốt tới tấp. Tiếng muỗi vo ve ong óng trùm bên tai khiến tôi co rúm cả người, lấy tay gạt sang bên, vãi ra như trấu. Mặc kệ, những búp măng cứ như có lực hấp dẫn, buộc tôi nhướng mắt nhìn ngó khắp nơi để không bỏ sót búp nào.
Một nhóm đi lấy măng
Hết cụm le này thì kéo lê chiếc bao tời lết sang cụm khác, nhớn nhác kiếm tìm. Những búp măng non bị đám lá mục phủ lên che khuất, phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy. Đúng là "vạch le tìm măng".
Chừng mặt trời gần đứng bóng thì tiếng nói cười lan khắp cánh rừng. Ai cũng mừng khi măng năm nay nhiều, lại được giá. Chỉ mới loanh quanh mấy cụm le mà dân "ngoại đạo" như tôi cũng đào được đầy một gùi lớn, khoảng chừng chục ký. Còn Thị Mai, Thị Dơt, Điểu Ken thì cả một gùi to đầy ắp.
Khi thấy đã kha khá, cả nhóm kéo lê mang về tập trung tại nơi để xe rồi ngồi lột vỏ. Chúng tôi lấy măng búp và những đốt măng non được phân biệt bằng mắt và những cái bấm tay phầm phập cắm vào thân măng.
Chưa kịp nhú lên đã bị đào
Không giống như nhóm của tôi chỉ phát những cây gai nhỏ xung quanh rồi tìm cách len vào những cụm le mà dõi mắt tìm măng. Nhóm của chị Vinh cứ phăng phăng chặt hết cả những cành le vươn ra cản đường, có người còn chặt cả cụm le để bẻ măng cho nhanh, nhiều mà lại ít bị muỗi đốt.
Sau khi lột vỏ, thấy măng quá ít, nhóm Y Hoách cố bòn mót nhặt nhạnh thêm những đốt măng đã có xơ, cho vào bao tời đem về.
Có một nhóm đi măng khác, không chỉ chặt những cành le vướng víu mà đốn sạch cả cụm le để dễ tìm măng. Không chỉ măng búp mà măng đã lên cây non cũng bị phạt ngang. Rồi thì bẻ sạch, cắt sạch, xới tung cả cụm le lên mà tìm măng. Bẻ tất cả những gì có thể gọi là măng, không chừa lại bất kỳ cây le nào dù búp đã lên xanh. Trông xót cả lòng.
Xế chiều, nhóm chúng tôi mỗi người đã có một bao tời lưng lửng măng lột vỏ sạch sẽ. Chúng tôi cắt núi, băng rừng trở lại nơi tập kết, chất măng lên xe, chở về nhà. Mới ra khỏi bìa rừng đã có nhiều người buôn bán măng đứng chờ sẵn để mua. Phần nhiều người đồng bào lấy măng về là bán ngay tại chỗ. Người lấy được ít thì mang về để gia đình dùng dần, còn đa phần mang về phơi khô thêm một hai con nắng rồi đóng thùng gửi đi cho khách đã đặt trước đó.
"Măng le mọc dại ngoài rừng. Giàng cho bao nhiêu thì mình lấy bấy nhiêu thôi. Rừng le gần nhà nhiều người qua lại nhòm ngó, cái măng chưa kịp đội đất nhú lên đã bị đào rồi. Có sức khỏe như lũ thanh niên đi lên núi Nâm Nung. Có khi đi xa qua mãi huyện Đắk G’long thì kiếm được nhiều măng hơn, ngày được cả mấy trăm ngàn. Còn mình đổi măng đủ tiền mua thuốc hút, mua rượu uống là được rồi" - già Ama Phui, người Buôn Choah, vừa nói vừa đưa chiếc túi trong đó chứa khoảng 5 kg búp măng ra hồ hởi khoe với chị Tống Thu Trang - một chủ đại lý thu mua măng tươi.
Cầm 50.000 đồng trên tay, già Ama Phui hớn hở ra về, miệng liên tục hẹn chiều hôm sau sẽ mang ra nhiều măng đẹp hơn.
Trước đây, chỉ đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên quen lấy măng le làm rau, xào nấu. Họ chỉ lấy những búp măng vừa nhú đầu lên khỏi mặt đất chừng một gang tay. Đó mới là thứ măng ngon nhất, đầy đủ dưỡng chất nhất. Ngày nay, nhiều người tìm về những món ăn thiên về tự nhiên, không chịu sự tác động của con người nên măng le trở thành thứ đặc sản cao cấp, nhiều người tìm mua.
Khai thác kiểu tận thu, triệt tiêu
Diện tích rừng ngày càng thu hẹp, măng le bị khai thác theo kiểu tận thu, triệt tiêu nên ngày càng ít, càng khó mua. Cũng may le không chỉ có ở Tây Nguyên mà còn ở cả những cánh rừng Trường Sơn còn sót lại. Người đi rừng lấy măng le bán lại cho thương lái và tất cả đều biến thành măng le Tây Nguyên.
Mùa măng le bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 10. Khi những cơn mưa ầm ào trút xuống thì măng càng nảy nhiều mầm nhiều mụt. Sau cơn mưa dài ngày, dân buôn Choah đi lấy măng mà như trẩy hội. Nhà nhà, người người rủ nhau vào rừng, đi tìm những cụm le mà mình đã ngó nghiêng trước đó. Cả buôn đêm nào cũng bàn bạc, thắc thỏm dậy từ lúc chưa có ánh mặt trời để chuẩn bị vào rừng. Người lớn hái măng rừng xa, trẻ con nghỉ hè cũng theo người lớn đến những rừng le gần nhà tìm măng.
Người dân buôn Choah bảo năm nay mưa nhiều nên nhiều măng, giá măng tươi được thương lái thu mua từ 8.000 - 15.000 đồng/kg. Đại lý thu mua măng tươi về thuê người luộc, phơi, sấy khô. Khoảng từ 8 - 10 kg măng tươi sẽ cho ra 1 kg măng khô, mỗi ký măng khô có giá 150.000 - 300.000 đồng.
Bình luận (0)