Chiều 13-2 (mùng 9 Tết), Phòng Một cửa (nơi chuyên nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân) tại UBND phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương rơi vào tình trạng quá tải. Hàng loạt người dân (chủ yếu là dân nhập cư) đến chứng thực sao y, xác nhận hồ sơ tìm việc…
Ông Nguyễn Thanh Hội, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho biết từ mùng 7 Tết đến mùng 9 Tết, mỗi ngày Phòng Một cửa (với 6 nhân viên, cán bộ) phải tiếp nhận, giải quyết và trả hàng loạt hồ sơ, giấy tờ từ hơn 300 lượt người dân. Con số này tăng đột biến so với trước Tết và cùng kỳ các năm.
Người lao động đến phường xác nhận, chứng thực hồ sơ vào chiều mùng 9 Tết
Ba ngày qua, để giải quyết kịp thời hồ sơ cho dân, ông Hội cho biết cán bộ phường phải đi làm sớm và về nhà muộn. Dù công việc quá tải nhưng cán bộ được yêu cầu phải lịch sự, niềm nở với dân.
Tại Phòng Một cửa có ghi "6 biết" dành cho cán bộ: "1. Biết nghe dân nói, 2. Biết nói dân hiểu, 3. Biết làm dân tin, 4. Biết xin lỗi, 5. Biết cảm ơn, 6. Biết mỉm cười".
"6 biết" ở khu vực tiếp dân dành cho cán bộ
Anh cán bộ này thỉnh thoảng vẫn nhớ điều thứ 6 là "biết mỉm cười"
Nhưng có lúc vì quá mệt, phải nói cho dân hiểu, anh cũng không cười nổi
Ghi nhận cho thấy nhiều người dân tỏ ra phấn khởi vì được trả hồ sơ, giấy tờ đúng giờ hẹn. Tuy nhiên, do số lượng quá đông và cố nán lại ủy ban để lấy giấy tờ nên vài người tỏ ra mỏi mệt.
Thuận Giao là một phường đặc biệt của Bình Dương. Nơi đây có khoảng 100.000 dân thì hơn 80.000 người từ tỉnh khác đến tạm trú, lao động. Sau Tết, do công nhân "nhảy việc" nhiều, người mới từ các tỉnh vào thêm nên nhu cầu chứng thực giấy tờ làm hồ sơ xin việc tăng đột biến.
Một thanh niên mặc áo Grab gục ngủ ngoài hiên Phòng Một cửa, số lượng người dân đến đây quá đông
Trước đó, ngày 11-2 (mùng 7 Tết), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã ký văn bản yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải nghiêm túc trong việc tiếp nhận, xử lý và trả lời các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp do Văn phòng UBND tỉnh chuyển đến.
Các vấn đề phải xử lý, trả lời kịp thời như phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện không đúng quy định của cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính… Nếu đơn vị, địa phương nào không trả lời, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thì Văn phòng UBND tỉnh phải báo cáo ngay với chủ tịch tỉnh để chấn chỉnh, phê bình thủ trưởng của đơn vị, địa phương đó.
Bình luận (0)