Đó là thời điểm cả nước vừa trải qua đại dịch Covid-19 đợt 1 với những thiệt hại nặng nề trong hàng loạt hoạt động kinh tế - xã hội. Đông Nam Bộ là khu vực có hoạt động kinh doanh du lịch đa dạng, phong phú. Cho nên, để phục hồi kinh tế sau đại dịch, các địa phương này đã đặc biệt chú ý tới việc tìm ra các giải pháp để vực dậy ngành du lịch.
Thực ra, không phải chỉ sau thời điểm đại dịch Covid-19 lần 1 thì các tỉnh, TP ở Đông Nam Bộ mới có sự kết nối này, vì từ thời chưa ai đề cập những khái niệm như "liên kết vùng"... thì tính gắn kết của các địa phương trong khu vực này đã hình thành như một sự tất yếu, ngay cả trong các hoạt động sinh sống rất đời thường của người dân.
Dân trong khu vực miền Đông Nam Bộ, dù ở tỉnh nào hay thường trú ngay TP HCM, cũng đều tự có cảm giác gần gũi, thân tình như là không có khoảng cách, ranh giới nào về hành chính.
Nhưng chuyện dân sinh thì khác với việc triển khai các chiến lược về phát triển kinh tế mang tính chất vùng, vì còn phải cần đến tính liên kết chặt chẽ giữa các thành viên với nhau để cùng đưa đến lợi ích chung. Mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy hưởng thì rốt cuộc vẫn là manh mún.
Cứ nhìn riêng chuyện giao thông thôi thì sẽ rõ. Quy hoạch ở Đông Nam Bộ là có đủ 5 phương thức vận tải, tư vấn trong và ngoài nước đều đã đánh giá là quy hoạch khá hợp lý nhưng thực hiện thì quá chậm. Nói là đến năm 2020 đưa vào khai thác 497 km cao tốc nhưng hiện mới đưa vào khai thác 122 km mà đã ách tắc thường xuyên. Rồi từ TP HCM đến các tỉnh trong vùng, xa nhất cũng chỉ hơn 100 km đường bộ nhưng tốc độ lưu thông thì chậm không thể tả, ùn tắc như cơm bữa. Hay nói đường sông thì đúng là rất tiềm năng nhưng bồi lấp, cầu thấp, luồng hẹp là phổ biến.
Bình Dương là tỉnh có hạ tầng giao thông đường bộ hiện được xem tốt nhất khu vực này nhưng mọi con đường từ tỉnh về TP HCM cũng như đi các tỉnh bạn đều trong tình trạng quá tải trầm trọng - một minh chứng về sự nỗ lực và năng động nhưng mới chỉ ở cấp độ địa phương.
Giao thông không thông suốt thì liên kết phát triển kinh tế bằng cách nào? Mà giao thông cũng chỉ mới là một chuyện tối thiểu trong bài toán khai thác tiềm năng. Chỉ liên thông trong chủ trương không thôi thì chưa đủ, mà phải hiện diện trong thực tiễn.
Nhưng muốn khai thác "mỏ vàng" có thực là Đông Nam Bộ thì lại không thể cứ trông chờ sự nỗ lực của nội bộ các địa phương ở đây, mà phải là giải pháp mang tầm quốc gia. Sự nỗ lực là cần thiết nhưng cần rất nhiều thời gian. Vì thế, cần những "quả đấm thép" trong đầu tư, ít nhất là về hạ tầng giao thông mang tính khu vực.
Phải đầu tư quy mô chứ không thể cứ nay một khúc, mai một đoạn, manh mún như lâu nay vẫn làm.
Bình luận (0)