Sáng 22-11, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Báo Tuổi trẻ đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ".
Tham dự hội thảo gồm lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của 7 tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng vùng Đông Nam Bộ là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động, là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hơn nữa, Đông Nam bộ có lợi thế là 1 trong 20 địa điểm phát triển cảng nước sâu tốt nhất trên thế giới và đến năm 2025, khi sân bay quốc tế Long Thành đưa vào hoạt động sẽ tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng.
Hội thảo thu hút nhiều cơ quan chuyên môn cùng chuyên gia hàng đầu
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhìn nhận vùng Đông Nam bộ đang đối mặt với hạ tầng đang quá tải, tắc nghẽn, thiếu đầu tư đúng mức, thiếu sự kết nối mang tính đồng bộ và bền vững. “Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng; là thách thức cho sự duy trì tăng trưởng trong nhiều năm tới", ông Phạm Viết Thanh nói.
Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đặt câu hỏi vì sao là khu vực đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia nhưng tốc độ tăng trưởng, vị thế của vùng Đông Nam Bộ bị suy giảm? Vấn đề nằm ở chỗ thiếu kết nối vùng, cụ thể các tuyến đường vành đai và các tuyến cao tốc quá ít và quá chậm, hàng chục năm nhiều tuyến đường vẫn nằm trên giấy. "Phía trước là bầu trời, làm sao để Đông Nam Bộ bay lên?", ông Trần Đình Thiên nhìn nhận.
PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, giao thông là điểm nghẽn của vùng Đông Nam Bộ, nghẽn trên cả 3 tuyến đường bộ, hàng không và đường biển. Dấn chứng cụ thể, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam số lượng doanh nghiệp gấp 6 lần, hàng hoá vận tải gấp 5 lần Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nhưng chỉ mới có 91km đường cao tốc. Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, kẹt cứng; Cảng biển thiếu đồng bộ, chỉ phát huy một phần nhỏ công suất…
"Cần từ bỏ cách nhìn chia đều, cào bằng, thực chất là mang tính cục bộ. Định hướng cơ chế khuyến khích phát triển khi giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích các địa phương trên tầm nhìn chiến lược quốc gia tổng thể", ông Trần Đình Thiên nêu ý kiến.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển, cũng cho rằng cần nghiên cứu và nhanh chóng thành lập quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối. Cần xem xét tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương; Tăng phân bổ đầu tư cho địa phương từ nguồn ngân sách phải nộp về Trung ương đối với TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến, đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, kinh tế khác.
Bình luận (0)