Ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngày 24-2 xác nhận đã cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 4 chiếc thuyền du lịch trên sông Hương và đầm phá của Công ty TNHH MTV Khắc Hùng (gọi tắt là Công ty Khắc Hùng, trụ sở ở xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
4 con thuyền của Công ty Khắc Hùng hạ thủy tại khu vực đóng tàu "chui"
Việc cấp chứng nhận sau khi các chiếc thuyền này hạ thủy đã được kiểm tra, thử máy móc, các trang thiết bị… thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng tàu thủy nội địa. Trong 4 chiếc thuyền này thì 2 chiếc có thiết kế chở dưới 50 khách, 2 chiếc còn lại chở dưới 15 khách.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết Công ty Khắc Hùng đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép được đóng 4 thuyền du lịch này. Tuy nhiên đến nay Công ty Khắc Hùng chưa phối hợp với Sở GTVT để sở chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan kiểm tra sự phù hợp với thiết kế mẫu.
Theo ông Sơn, Công ty Khắc Hùng không đủ điều kiện hoạt động đóng tàu thủy nội địa nên là chủ thuyền, còn Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận (phường Thuận An, TP Huế) là cơ sở đáp ứng điều kiện nên được thuê đóng 4 chiếc thuyền này từ năm 2019 đến nay.
Thời điểm các con thuyền du lịch đang triển khai đóng dưới gầm cầu Tư Hiền
Như Báo Người Lao Động phản ánh, việc đóng 4 chiếc thuyền này được triển khai ở dưới gầm cầm Tư Hiền thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, vi phạm hành lang an toàn đường bộ nên bị đơn vị quản lý cầu đường lập biên bản; gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về điều kiện cơ sở đóng tàu không đáp ứng tại Điều 6, Nghị định 128/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, ông Sơn nói rằng nếu như đánh giá năng lực thì cũng có những giới hạn nhất định nhưng đã tạo điều kiện hết sức.
Gây ô nhiễm môi trường
"Khi đó chúng tôi cũng có ý kiến về việc này rồi nhưng thực ra thời điểm đó họ cũng có thuê mặt bằng của biên phòng cạnh đó và là cứ nghĩ việc đóng sẽ nhanh thôi, hạ thủy thì kéo về cơ sở An Thuận để hoàn thiện. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên việc đóng những chiếc thuyền này kéo dài đến cuối năm 2021 mới xong." – ông Sơn lý giải.
Gầm cầu trở thành nơi đóng tàu
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận, khẳng định rằng công ty của bà không thực hiện đóng 4 chiếc thuyền du lịch này cho Công ty Khắc Hùng. "Chúng tôi có cơ sở vật chất đóng tàu ở phường Thuận An nhưng sao lại triển khai đóng cho họ dưới gầm cầu Tư Hiền, cách nhau đến 40 km?" – bà Huyền lý giải.
Với khẳng định của bà Huyền thì liệu Công ty Khắc Hùng có phải mượn danh Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận để hợp thức hóa đóng 4 chiếc thuyền du lịch trên? Và sau đó được tạo điều kiện, kiểm tra, đánh giá là đủ điều kiện cấp chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường?
Bình luận (0)