Sau khi công trình thi công xong thì trách nhiệm sửa chữa trả lại nguyên trạng ban đầu được các bên đổ qua đổ lại. Đến khi các con đường đã "mượn" đang xuống cấp nghiêm trọng vẫn tiếp tục chờ câu trả lời trách nhiệm thuộc về ai?
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện tình trạng hằn lún, lượn sóng vào tháng 6-2019 khiến việc di chuyển của các phương tiện gặp khó khăn Ảnh: TỬ TRỰC
Thực tế cho thấy, Quảng Ngãi không phải là địa phương duy nhất có tình trạng này, bởi vì đây là thực trạng hầu hết ở các nơi có công trình BOT phải sử dụng đường dân sinh để tập kết nguyên vật liệu, máy móc cơ giới thi công công trình.
Cách đây hơn 2 năm, trên Báo Người Lao Động, trong một bài viết về BOT Cai Lậy với tiêu đề "10 câu hỏi gửi ông phó tổng cục trưởng", cũng đã đề cập về hiện trạng 4 con đường mà chủ đầu tư BOT Cai Lậy (Tiền Giang) "mượn" để thi công tuyến tránh Cai Lậy. Nhưng sau khi thi công xong, bước vào thu phí, mặc dù các con đường "mượn" đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn không được xử lý.
Hầu như khi công trình BOT thi công xong và đưa vào thu phí thì từ địa phương, chủ đầu tư lẫn các đơn vị nhà thầu lại nhanh chóng quên mất lời hứa ban đầu khi đặt vấn đề mượn đường. Khi được hỏi đến thì cùng nhau đùn đẩy trách nhiệm. Vậy trách nhiệm thực sự thuộc về ai?
Trong phân cấp quản lý hệ thống đường bộ Việt Nam, trừ cao tốc, quốc lộ thuộc quản lý trực tiếp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, còn lại các đường từ tỉnh lộ trở xuống thì giao cho địa phương trực tiếp quản lý. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tuyệt đối không thể mượn đường được nếu không có sự đồng ý trực tiếp từ chính quyền địa phương. Nên có thể nói, chịu trách nhiệm hoàn trả nguyên trạng mặt đường đã mượn sau thi công là chính quyền địa phương chứ không phải là chủ đầu tư hay người dân.
Vậy, lúc đồng ý cho mượn các con đường để phục vụ việc thi công, địa phương có làm văn bản xác nhận, trong đó nêu rõ trách nhiệm hoàn trả mặt đường sau khi thi công xong không? Có các yêu cầu ràng buộc cụ thể không? Có chế tài xử phạt nếu chậm trễ không? Có nêu thời gian cụ thể để hoàn thành không? Có nêu vấn đề bồi thường nếu chậm trễ không?... Nếu có thì cứ theo các điều khoản trong văn bản mà thi hành. Nhưng như thực tế hiện nay, chắc là... không có. Bởi nếu có, vấn đề này đâu khó để giải quyết mà phải để kéo dài cho tới cả một vài năm.
Thực tế trong thi công các công trình giao thông mới, việc mượn đường để chuyên chở nguyên vật liệu, máy móc thi công là điều bắt buộc, không thể tránh khỏi. Cái cần ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương đã đứng ra thay mặt nhà nước và người dân địa phương khi đồng ý cho việc mượn các con đường dân sinh để thi công.
Đặt lại câu chuyện này để nhanh chóng xử lý, để sau này, khi các công trình giao thông BOT mới khi được đưa vào sử dụng, sẽ không còn cảnh người dân địa phương phải đặt ra câu hỏi: Trả lại nguyên trạng ban đầu các con đường cho mượn, trách nhiệm thuộc về ai?
Bình luận (0)