Trung Quốc hôm 15-7 lên tiếng phản đối và tuyên bố sẽ có hành động trả đũa sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành một đạo luật và một sắc lệnh hành pháp nhằm trừng phạt Bắc Kinh liên quan đến thực thi luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.
"Trung Quốc sẽ đưa ra các phản ứng cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Mỹ có liên quan. Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không quốc gia nào có quyền can thiệp" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Thặng dư thương mại của Mỹ với Hồng Kông vào khoảng 26,1 tỉ USD vào năm ngoái. Trong ảnh: Một cảng container tại Hồng Kông. Ảnh: REUTERS
Đạo luật Tự trị Hồng Kông được ông Trump ký ban hành hôm 14-7 có nội dung áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức cũng như ngân hàng Trung Quốc liên quan đến luật an ninh quốc gia nói trên. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng còn ra lệnh chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hồng Kông theo luật pháp Mỹ nhằm trừng phạt Trung Quốc về điều mà ông cho là "hành vi áp bức" đối với đặc khu này.
Cũng theo sắc lệnh hành pháp, Washington sẽ phong tỏa tài sản tại Mỹ của bất kỳ cá nhân nào bị cho là "chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong những hành vi hoặc chính sách làm suy yếu tiến trình hoặc thể chế dân chủ ở Hồng Kông".
"Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông như Trung Quốc - không đặc quyền, không ưu đãi kinh tế và không được Washington xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm" - nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định. Ông Trump cũng cảnh báo Hồng Kông sẽ không còn có thể cạnh tranh với các thị trường tự do và rất nhiều người sẽ rời khỏi thành phố này.
Đài Al Jazeera dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng việc chấm dứt hoàn toàn đặc quyền thương mại của Hồng Kông có thể khiến Mỹ chịu thiệt hại không ít. Hồi năm ngoái, thặng dư thương mại của Mỹ với Hồng Kông vào khoảng 26,1 tỉ USD, lớn nhất trong các đối tác thương mại của Washington.
Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 85.000 công dân Mỹ sống và làm việc tại Hồng Kông vào năm 2018. Ngoài ra, hơn 1.300 doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại đặc khu này, trong đó có hầu hết công ty tài chính lớn. Vì thế, động thái của Washington khiến các doanh nghiệp ở đặc khu không khỏi lo lắng.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua không chỉ xoay quanh vấn đề Hồng Kông mà còn về thương mại, đại dịch Covid-19 và cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương. Theo hãng tin AP, Trung Quốc khẳng định sẽ bảo vệ công ty nước này sau khi Mỹ cảnh báo doanh nghiệp Trung Quốc có thể đối mặt với rắc rối pháp lý nếu dính líu đến cáo buộc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ.
Không những thế, thương chiến Mỹ - Trung đang có nguy cơ bùng phát trở lại sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 14-7 nhấn mạnh không muốn thương thảo với Bắc Kinh về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 vì đại dịch Covid-19. Suốt nhiều tháng qua, nhà lãnh đạo Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cũng như cho rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì không khống chế được dịch bệnh.
Ông Donald Trump có lý do để trút giận lên Trung Quốc vì dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế Mỹ, từ đó đe dọa cơ hội tái đắc cử của ông trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Chiến tranh lạnh đã bắt đầu?
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tuần rồi thừa nhận quan hệ Mỹ - Trung đang đối mặt thách thức lớn nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Bi quan hơn, theo đài NBC News, một số chuyên gia cảnh báo cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 nước có thể đã bắt đầu sau khi chứng kiến hai bên có một loạt động thái công kích và trả đũa nhau trong nhiều vấn đề.
Câu hỏi đặt ra là liệu hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể vừa là đối thủ địa chính trị vừa là đối tác thương mại hay không? Theo trang Asia Times, Bắc Kinh đã nêu câu hỏi này trong một lần trao đổi ngoại giao gần đây, đồng thời cảnh báo thỏa thuận thương mại giai đoạn một có thể gặp rủi ro nếu Washington tiếp tục công kích họ, đặc biệt là về những vấn đề mà họ cho là "lằn ranh đỏ", như Hồng Kông.
Trong xuyên suốt cuộc chiến tranh lạnh mới, Washington sẽ tiếp tục chiến dịch trấn áp gián điệp Trung Quốc ở Mỹ và thực hiện các biện pháp kinh tế nhằm chống lại điều mà phương Tây mô tả là hành vi sai trái của Bắc Kinh trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng tên lửa và những hệ thống vũ khí khác để đối phó Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và Washington sẽ đáp trả bằng cách theo đuổi công nghệ để ngăn chặn những vũ khí này. Ngoài ra, Trung Quốc có thể trả đũa Mỹ bằng cách không thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Trước tình trạng thiếu thốn trang thiết bị y tế vì Covid-19, giới hoạch định chính sách Mỹ đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của nước này đối với hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có thành phần dược phẩm. Các nhà lập pháp Mỹ cũng hối thúc chính phủ tăng chi tiêu trong những lĩnh vực công nghệ đang có sự cạnh tranh với Trung Quốc, như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.Cao Lực
Bình luận (0)