Thủ tướng Chính phủ ngày 1-8 đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó đến năm 2020, ít nhất có 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển ĐTTM và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích ĐTTM. Trong cuộc hội thảo về thành phố thông minh (TPTM) mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết Hà Nội mong muốn hướng tới mô hình TPTM dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.
Lấy người dân làm trung tâm
Với mục tiêu lấy dân làm trung tâm, Hà Nội đặt ra kế hoạch xây dựng TPTM gồm 3 giai đoạn (đến năm 2030), trong đó tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: y tế, giao thông và du lịch.
Dịch vụ iParking là ứng dụng hỗ trợ tìm kiếm điểm đỗ và thanh toán phí trông giữ xe qua điện thoại thông minh đầu tiên tại Việt Nam
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Chung, Hà Nội đã triển khai các thành phần cơ bản được ưu tiên xây dựng là trung tâm điều hành thông minh, hệ thống giao thông thông minh và hệ thống du lịch thông minh. "Chúng tôi đã tiến hành xây dựng và hợp tác với công ty công nghệ thông tin và viễn thông trên địa bàn TP để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc ứng dụng các dịch vụ công cũng như cho việc điều hành của TP" - ông Chung cho hay.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang xây dựng các cơ sở dữ liệu cốt lõi về dân cư, đất đai, quản lý của TP và đồng loạt triển khai trong thời gian tới các dịch vụ phục vụ cho quản lý điều hành: hệ thống iParking (quản lý dịch vụ đỗ xe); giao thông, du lịch.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết TP đã triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung, thống nhất, tạo tiền đề thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Cụ thể, cơ sở dữ liệu cho 7,5 triệu người dân đã được xây dựng xong, làm nền tảng cho cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4. Hiện TP đã cung cấp 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 (trên tổng số 1.883), đạt gần 30% tổng số thủ tục hành chính.
Xây dựng tiêu chuẩn chung
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định theo xu hướng khi Hà Nội đã hình thành các dịch vụ công thì sẽ định hình và phân loại dần những dịch vụ này trên tinh thần tất cả dịch vụ công nào tư nhân có thể làm được thì sẽ chuyển dần cho tư nhân làm. Trên tinh thần đó, nguồn lực từ chính những người dân và các dịch vụ mà người dân sử dụng cũng là nguồn lực được Hà Nội huy động để tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo cho xây dựng TPTM.
Chia sẻ về mục tiêu TPTM của Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP, cho rằng mục tiêu của Hà Nội đến năm 2030 trở thành TPTM là cực kỳ khó khăn. "Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có hơn 30 TP được gọi là TPTM theo đúng tiêu chuẩn, việc Hà Nội đặt mục tiêu như vậy là rất khó thực hiện. Nếu Hà Nội đạt được mục tiêu TPTM thì cũng chỉ là trong một tiêu chuẩn nào đó tự đưa ra, nếu so với tiêu chuẩn chung của thế giới thì rất khác" - ông Nghiêm nói.
Ông Phạm Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, cho rằng hầu hết các địa phương mới chú trọng những ứng dụng đơn lẻ chứ chưa chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ sở, hạ tầng của ĐTTM. Cách thức tiếp cận này đã khiến cho việc sử dụng hiệu quả các ứng dụng thông minh còn nhiều hạn chế. Do đó muốn phát triển ĐTTM cần tập trung vào 3 lĩnh vực: Quy hoạch ĐTTM; xây dựng và quản lý ĐTTM, trong đó có nền tảng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống công nghệ thông tin được kết nối; cung cấp các tiện ích ĐTTM cho tổ chức và cá nhân trong đô thị.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Việt Nam cần phải xây dựng được hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn chung, nhằm bảo đảm tích hợp một cách có hệ thống, hiệu quả các công nghệ khác nhau trong một hệ thống nền tảng của ĐTTM.
Lựa chọn bước đi thích hợp
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội cũng đang gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Do đó, nhu cầu xây dựng một ĐTTM bảo đảm các yếu tố bền vững là một yêu cầu cấp thiết. Việc quản lý xây dựng ĐTTM gần đây là một xu thế đã được nhiều TP trên thế giới triển khai thành công. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, việc thực hiện mục tiêu này đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các chuyên gia công nghệ phải cùng nhau lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp để xây dựng đô thị hay TP có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)