Ngày 18-6, ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), cho biết đang giao Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết tìm hiểu tình hình sạt lở cũng như việc bố trí tái định cư tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành. "Sắp tới, HĐND TP Phan Thiết cũng sẽ giám sát chặt việc này để có hướng xử lý" - ông Long nói.
Bán đất tái định cư, quay lại nơi cũ
Năm 2015, căn nhà mái tôn tạm bợ của gia đình lão ngư Nguyễn Tư (60 tuổi) tại thôn Tiến Đức bị sóng biển cuốn trôi hoàn toàn, may mắn các thành viên gia đình sống sót. Một năm sau, TP Phan Thiết xét cấp cho hộ ông Tư 1 lô đất 100 m² tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành và 20 triệu đồng để tái định cư nhưng lão ngư này lại thuê nhà với giá 700.000 đồng/tháng tại thôn Tiến Đức để ở lại bám biển. "Tôi lái xe yếu mà đi biển thì 2, 3 giờ sáng phải có mặt để ra khơi; đi xa và thuyền để dưới này không ai trông coi, bất tiện lắm" - ông Tư phân trần.
Ông Lê Ngọc Thu, Trưởng thôn Tiến Đức, cho biết gần 20 trường hợp trong tổng số hơn 130 hộ được xét cấp đất bán nhà tái định cư để quay về nơi sạt lở và nhiều trường hợp bán đất tái định cư để chuyển đến các địa phương khác ở sát biển để tiện đi biển. "Nhà nước bố trí đất tái định cư cách biển cả chục cây số, rất bất tiện cho bà con ngư dân nên nhiều người đã bán nhà quay lại" - ông Thu nói. Tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chính quyền cũng đang đau đầu với việc tái định cư cho 348 hộ với 1.373 nhân khẩu ở thôn Thành Phát và 346 hộ với 1.243 nhân khẩu ở thôn Thành Đạt. Theo ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, hầu hết người dân là lao động tự do, làm biển, có mức thu nhập thấp. Trong đó, nhiều hộ dân sau giải tỏa đã được tái định cư tại các dự án ven biển nhưng bán suất tái định cư của mình để lên khu vực núi ở thôn Thành Phát, Thành Đạt xây dựng trái phép sinh sống, trong khi đây là khu vực thường xuyên bị sạt lở, đe dọa tính mạng hàng ngàn hộ dân.
Khu neo đậu tàu thuyền thôn Tiến Đức, nơi gắn với kế mưu sinh của nhiều hộ địa phương nên họ không muốn di dời. Ảnh: HỢP PHỐ
Khó chỉnh trang
TP Nha Trang hiện tồn tại nhiều làng chài ven biển ọp ẹp ở các phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Xương Huân, Vĩnh Phước… Tuy nhiên, việc chỉnh trang, thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân ở đây là hết sức khó khăn.
Sau vụ cháy hơn 70 hộ dân tại khu vực nhà chồ cửa biển thuộc cồn Nhất Trí (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) vào đầu năm 2017, toàn bộ số hộ dân được cấp đất tái định cư ở khu vực Hòn Rớ (xã Phước Đồng) nhưng đến nay nhiều hộ dù nhận đất nhưng vẫn thuê nhà ở lại. Anh Trần Khắc Thạch, một hộ dân, cho biết khu vực tái định cư rất xa chỗ ghe tàu neo đậu nên nhiều người chưa muốn đi. Dự án chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường tại khu vực cồn Nhất Trí dù được UBND tỉnh Khánh Hòa quy hoạch từ năm 2004 với diện tích 21,2 ha nhưng cũng không triển khai được vì không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Cuối năm 2019, sau 15 năm "treo", UBND tỉnh Khánh Hòa phải hủy bỏ việc thu hồi đất để thực hiện dự án. Khu dân cư cồn Nhất Trí hình thành từ một xóm chài của ngư dân sinh sống nhiều đời bên cửa sông Cái và bờ biển Nha Trang. Đến nay, có khoảng 1.500 hộ dân sống chen chúc, đa số làm nghề biển. Ông Trần Quang Toàn, một người dân ở cồn Nhất Trí, cho rằng 90% là dân đi biển, nếu giải tỏa đến sinh sống ở phường Ngọc Hiệp, không có biển thì người dân không biết lấy gì sinh sống.
Một dự án khác là Cảng du lịch Nha Trang (phường Vĩnh Trường) dù đã được xây dựng hoàn thiện đưa vào hoạt động nhưng vẫn gặp sự phản đối của ngư dân. Theo người dân, khi xây dựng bến tàu, cảng Vĩnh Trường di dời qua Hòn Rớ để nhường đất nên tàu bè thiếu chỗ neo đậu. Người dân khu vực này đa số làm nghề biển đánh bắt gần bờ nên tàu nhỏ, khó neo ở các cảng lớn. Nhiều hộ dân còn viết đơn thư kêu cứu gửi chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh.
Lên phương án di dời
UBND TP Nha Trang vừa đưa ra 2 phương án di dời toàn bộ hơn 800 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu ở xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm. Theo đó, UBND TP Nha Trang đề xuất 2 phương án là xây dựng chung cư cho thuê với giá ưu đãi với diện tích mỗi căn hộ 40 m2. Phương án 2 là bố trí giao đất tái định cư (các hộ đủ điều kiện) hoặc giao đất theo giá thị trường với diện tích các lô từ 50 - 55 m2, dự kiến thực hiện tại khu tái định cư Phước Hạ, xã Phước Đồng. Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP, phương án xây dựng nhà chung cư khó khả thi bởi tổng mức đầu tư lớn và không phù hợp nguyện vọng của người dân. Vì vậy, nên chọn phương án 2 được người dân ủng hộ hơn. Hiện các phương án này vẫn đang được cơ quan chức năng nghiên cứu.
Bình luận (0)