xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nâng cao vai trò, vị thế của nông dân

Nguyên Thế

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị

Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam", với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" đã diễn ra sáng 29-5 tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức với sự tham dự của 500 đại biểu có mặt trực tiếp và kết nối với 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành.

Bình ổn giá vật tư, tiếp sức nông dân

Hơn 1.600 đề xuất, kiến nghị, trăn trở đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề: sinh kế cho nông dân, đầu ra cho nông sản, việc hỗ trợ vốn, tình trạng đầu cơ đất... Những nội dung này đã được đưa ra trong cuộc đối thoại.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chia sẻ và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ với bà con nông dân 2 năm qua phải gồng mình chống dịch Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ muốn cuộc đối thoại dựa trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, chân thành, tin cậy và trách nhiệm để xử lý vấn đề.

Trăn trở về giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao so với thời điểm trước dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Thanh (nông dân xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) hỏi Chính phủ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức cho nông dân? Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đây là vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã rất nỗ lực để kiềm chế tốc độ tăng giá vật tư nông nghiệp, tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, kiểm soát kênh phân phối, ưu tiên tối đa tiêu thụ tại thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng là vật tư có tính chiến lược.

Nâng cao vai trò, vị thế của nông dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

"Nếu giá cả tiếp tục leo thang thì chúng tôi sẽ có giải pháp đề xuất cấp thẩm quyền việc trợ giá đối với một số vật tư để bớt khó khăn cho nông dân" - ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Nêu vấn đề tín dụng với nông dân, bà Trần Thị Thanh Thoan (nông dân huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) bộc bạch thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, phải vay tín dụng đen. "Chính phủ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?" - bà Thoan hỏi.

Về việc này, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng nghiên cứu; chính quyền các địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn tín chấp. Tuy nhiên, các hộ nông dân cũng phải có dự án rõ ràng, khả thi, hiệu quả để được duyệt vay. Thủ tướng lưu ý việc chống tín dụng đen phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp nông dân vay vốn ngân hàng thuận tiện, hạn chế tín dụng đen.

10 vấn đề nổi cộm cần xử lý

Bày tỏ lo lắng khi nông sản Việt Nam thường xuyên bị ách tắc khi xuất sang Trung Quốc, nông dân Trần Như Kiên (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) kiến nghị Chính phủ có giải pháp; bộ, ngành liên quan xây dựng các nhà máy chiếu xạ tại địa phương để hỗ trợ nông dân xuất khẩu.

Giải đáp nỗi lo này, Thủ tướng cho biết các cơ quan đã triển khai tích cực và Thủ tướng đã chỉ đạo trực tiếp, giao thiệp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, lập tổ công tác do lãnh đạo Bộ Công Thương đứng đầu, chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với các tỉnh biên giới của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đáp ứng được hết các nhu cầu như mong muốn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, chính sách chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau. Trung Quốc cũng không còn là thị trường dễ tính, họ kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy định về những vấn đề khác cũng khắt khe hơn.

"Do đó, cần có giải pháp trước mắt để giải quyết vấn đề, bên cạnh giải pháp lâu dài. Chúng ta cần thời gian quá độ để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch. Điều này cần sự vào cuộc tích cực của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân" - Thủ tướng nhắc nhở.

Kết nối trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Bắc Giang, ông Hoàng Đình Quê (xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng) nêu hiện tượng thời gian qua, giá đất tại nhiều nơi tăng nóng dẫn tới nhiều nông dân tham gia buôn bán đất nông nghiệp. Giá đất tăng cũng dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp. "Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có giải pháp gì nhằm kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai?" - ông Quê hỏi.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, có 7 giải pháp để hạn chế tình trạng buôn bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp. Cụ thể: Tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai; công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện nghiêm quy định đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; có kế hoạch điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật về đất đai; thống nhất nhận thức trong việc định giá đất; nâng cao năng lực của các tổ chức phát triển quỹ đất ở địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm việc rất tích cực, Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm.

Tổng kết buổi đối thoại, Thủ tướng nhận thấy có 10 vấn đề nổi cộm cần xử lý gồm: tiêu thụ nông sản; liên kết nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông; chuyển đổi số; nâng cao khả năng cạnh tranh; vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch; sản xuất theo tín hiệu thị trường; góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; làm chủ đầu vào giống, vật tư nông nghiệp; việc làm ở khu vực nông nghiệp.

Thủ tướng khẳng định phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn.

Thủ tướng yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất - kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Có giải pháp giảm nhanh tỉ lệ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn, theo tinh thần "ly nông không ly hương". 

Cải cách hành chính trong tam nông

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với vai trò dẫn dắt của nhà nước.

Các bộ, ngành, cơ quan, nhất là Hội Nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hằng ngày với người dân, quán triệt tinh thần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn; lắng nghe, tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Sơn La cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV.

Tỉnh Sơn La kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng cho phép đầu tư theo hình thức đầu tư công, giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư đoạn đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; cho phép đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Nà Sản là sân bay lưỡng dụng theo phương thức đối tác công - tư, loại hợp đồng BOT, giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án...

Thủ tướng yêu cầu Sơn La rà soát, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tránh dàn trải, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án lớn có tác động lan tỏa, lâu dài; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

B.T.N

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo